Thiếu hành lang pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nội dung số
DNNV - Theo ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), một trong những rào cản mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất nội dung số đối mặt là thiếu hành lang pháp lý bảo vệ và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước những tranh chấp có thể xảy ra.
Kinh doanh mang tính tự phát
Tại diễn đàn "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số" ngày 24/4, ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cho biết, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn.
Tại Việt Nam có tới 66,2 triệu người dùng Facebook. Với YouTube, Instagram, Tik Tok và Netflix só người dùng lần lượt là 63 triệu, 10,3 triệu, 49,86 triệu và 2 triệu.
Trong khi đó, hành vi tiêu dùng số cũng có sự dịch chuyển đáng kể. Trong đó, có thể kể đến 4 xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng số: mua sắm trên mạng xã hội; trải nghiệm trên môi trường ảo, sử dụng sản phẩm video trên mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI).
Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam.
Việc Chính phủ có chủ trương thúc đẩy kinh tế số thành ngành mũi nhọn, xây dựng một loạt chính sách tạo các hành lang pháp lý thuận lợi cho lĩnh vực này cũng là yếu tố thuận lợi với các DN trong ngành.
Tuy vậy, theo Chủ nhiệm DCCA, các DN nội dung số đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam nhưng chủ yếu kinh doanh mang tính tự phát và mang tính rủi ro cao.
Số lượng các DN startup nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Sức cạnh tranh của DN yếu, dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế.
DN Việt Nam cũng chưa có các sản phẩm thực sự nổi bật tạo tiếng vang lớn trên thế giới. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm nổi bật trong nước cũng như trên thế giới để tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao.
Trong khi đó, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.
"Đáng lưu ý, sự kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các DN còn lỏng lẻo. Sự phát triển quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số. Sáng tạo hay kinh doanh trên nền tảng số chưa được thực sự được coi là một mảng kinh doanh và có tỷ trọng cụ thể trong nền kinh tế. Việt Nam còn thiếu những hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các DN trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra", ông Hoàng nhấn mạnh.
Giải pháp chinh phục thị trường quốc tế
Từ thực trạng trên cùng với những kinh nghiệm trọng việc xây dựng và phát triển nội dung cho thị trường quốc tế, ông Tạ Mạnh Hoàng khuyến nghị DN nội dung số nên nghiên cứu và vận dụng mô hình phát triển thành công của các DN đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Phát triển mô hình phát triển sản phẩm IP (tài sản sở hữu trí tuệ) với đa dạng dòng sản phẩm, nền tảng kinh doanh và đa ngành kinh doanh.
Nên xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình kiếm tiền nhanh sang mô hình phát triển bền vững. Liên tục nâng cao năng lực phát triển của DN. Tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các DN trong nước và quốc tế thông qua việc tham dự triển lãm, hội chợ cùng. Tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia trong mảng.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối với các tổ chức hỗ trợ DN, tham vấn chính sách phát triển cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời chia sẻ những vướng mắc, khó khăn làm cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp, đưa ra chiến lược phát triển tổng thể cho ngành. Từ đó tạo dựng các cơ hội kinh doanh, nâng cao vị thế cạnh tranh của DN trên trường quốc tế.