Thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, lợi nhuận năm nay của Cao su Việt Nam (GVR) có thể tăng tới 40%

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu đang thúc đẩy giá cao su tăng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR).

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vừa tiếp tục nâng dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay và cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2028.

Cụ thể, ANRPC tiếp tục hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,50 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina, và bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ cao su.

Đồng thời, các hộ nông dân cao su tiểu điền ở cả ba quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia, và Malaysia vẫn chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại do thiếu hụt lao động cũng như xuất hiện nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

ANRPC cảnh báo tình trạng trên có thể kéo dài tới năm 2028 khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 600-800.000 tấn cao su/năm. Các hộ nông dân cao su tiểu điền đang chiếm đến 85% tổng nguồn cung cao su tự nhiên trên thế giới.

Sản lượng cao su tự nhiên của các nước sản xuất lớn trên thế giới có xu hướng sụt giảm dần trong những năm gần đây. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Sản lượng cao su tự nhiên của các nước sản xuất lớn trên thế giới có xu hướng sụt giảm dần trong những năm gần đây. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi đất cao su được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cao su trong trung và dài hạn. Cụ thể, Thái Lan - quốc gia chiếm 33% sản lượng thế giới sẽ cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Việt Nam với thị phần hơn 10% sản lượng thế giới cũng đang có xu hướng chuyển đổi mạnh đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp nhằm đạt lợi ích kinh tế cao hơn.

Về phía nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi chính phủ nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Diễn biến trên đã thúc đẩy giá cao su thế giới tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay. Tại thời điểm cuối T8/24, giá cao su RSS3 đạt 387 Yên Nhật/kg và giá cao su TSR20 đạt 180 US cent/kg, lần lượt tăng 81% và 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến giá cao su RSS3 trên sàn TOCOM (bên trái) và giá cao su TSR20 trên sàn SGX (bên phải) từ tháng 9/2023 đến nay. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Diễn biến giá cao su RSS3 trên sàn TOCOM (bên trái) và giá cao su TSR20 trên sàn SGX (bên phải) từ tháng 9/2023 đến nay. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)

Giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 8/2024 đạt 1.637 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE).

Với việc sở hữu hơn 394.700 ha đất trồng cao su trải khắp các tỉnh thành, Cao su Việt Nam hiện là đơn vị chi phối chủ chốt thị trường cao su tự nhiên tại Việt Nam. Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, giá cao su bình quân năm nay của Cao su Việt Nam dự kiến đạt 36,8 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Sản lượng tiêu thụ cả năm nay ước đạt khoảng 500.000 tấn.

Theo đó, doanh thu riêng mảng cao su năm nay của Cao su Việt Nam ước đạt 18.347 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp mảng này dự báo sẽ đạt 29%, tăng mạnh so với mức 22% của năm 2023. Hiện mảng sản xuất cao su đóng góp từ 40 - 60% tổng lợi nhuận tập đoàn này.

Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Cao su Việt Nam năm nay dự báo đạt 5.564 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2023, theo Chứng khoán MB.

Trong khi đó, theo ước tính của SSI Research, giá cao su cứ tăng 1% thì lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng thêm 0,22%, tạo động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh chung của tập đoàn này.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thieu-hut-nguon-cung-toan-cau--loi-nhuan-nam-nay-cua-cao-su-viet-nam--gvr--co-the-tang-toi-40-127360.htm