Thiếu hụt nguồn lực trẻ trên sân khấu nghệ thuật truyền thống: Nỗi lo từ nhà hát đến nhà trường!

Suốt thời gian qua, câu chuyện về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trên các sân khấu nghệ thuật truyền thống cả nước được nhắc tới nhiều. Không ít giải pháp được đưa ra, nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các nhà hát mà bây giờ còn lan đến cả nhà trường, tức cơ sở đào tạo nghệ thuật. Nếu tình hình không sớm thay đổi, chuyện “con hát già” sẽ trở nên phố biển ở một số sân khấu nghệ thuật truyền thống.

“Già hóa sân khấu”, nỗi lo không của riêng ai

Thống kê gần đây của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 đến 25 ở các đơn vị sân khấu trong cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, và từ 25 đến 30 cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Tại Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, Nhà hát Chèo Việt Nam chỉ có hơn 20 người (bao gồm cả nhạc công và diễn viên) là những nghệ sĩ trẻ, chiếm khoảng 25% tổng quân số.

 Sân khấu truyền thống đang ngày càng thiếu hụt nhân lực trẻ. Ảnh: Hồng Hà

Sân khấu truyền thống đang ngày càng thiếu hụt nhân lực trẻ. Ảnh: Hồng Hà

Trong một thời gian dài, do việc bổ sung, thay thế lực lượng trẻ, kế cận khó khăn, nên hầu hết nhà hát và các đơn vị nghệ thuật hoạt động theo dạng “có gì dùng nấy”. Vì thế, khán giả chứng kiến không ít cảnh “khóc cười” trên một số sân khấu truyền thống khi nhiều diễn viên gạo cội phải “cưa sừng làm nghé”, vào vai nhân vật trẻ tuổi hay thiếu niên. Sự gò ép này ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng của vở diễn, cũng như làm giảm độ thu hút của chính loại hình sân khấu đó trong mắt người xem. Các cụ thường nói “thầy già, con hát trẻ”, tức là, sân khấu biểu diễn phải là nơi dành cho người trẻ mới cuốn hút và hấp dẫn người xem, thì nay lại toàn các diễn viên cứng tuổi đảm nhận.

Với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và người yêu sân khấu, họ đã quen trước thực tế ấy. Biết vậy, song các nhà hát phải bất đắc dĩ chấp nhận thực tế như một “phần tất yếu”. Theo quy định, mỗi nhà hát hiện nay được phân bổ số biên chế nhất định, nên việc tuyển biên chế cho nhóm diễn viên trẻ, mới gần như không có. Họ chỉ có thể sử dụng nhóm diễn viên trẻ bằng hợp đồng tạm thời hoặc hợp đồng kinh tế, trả lương theo khung quy định vốn rất thấp, trong khi vẫn phải trả lương cho đội ngũ nghệ sĩ lớn tuổi nhưng không diễn, đang chờ về hưu. Số diễn viên trong biên chế diễn được lại khiến các nghệ sĩ trẻ không có chỗ để thể hiện.

Cứ thế, tình trạng bất cập này vô tình lấy đi “đất diễn” của các nghệ sĩ trẻ, dẫn đến suy giảm đam mê, động lực để họ tiếp tục với nghề. Trong bối cảnh đồng lương của nghệ sĩ nói chung còn thấp, việc không được thường xuyên biểu diễn buộc những nghệ sĩ trẻ phải tìm mọi cách để mưu sinh trước khi mong bám nghề. Có nghệ sĩ lựa chọn nghỉ việc dù mới vào nghề được một thời gian. Có người chọn chuyển sang lĩnh vực khác với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Từ đó, câu chuyện thiếu diễn viên trẻ tại một số nhà hát, đoàn nghệ thuật trở thành vấn đề kinh niên. Và đó là lý do tại sao “con hát” lại “già”!

 NSƯT Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

NSƯT Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, NSƯT Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cho biết: “Chúng ta phải nhìn vào thực tiễn, thù lao đồng lương để nghệ sĩ sống được bằng nghề vẫn chưa đảm bảo. Sau 4 năm học trong trường ra, nghệ sĩ về nhà hát bằng hợp đồng lao động với mức lương 3-3,5 triệu đồng. Con số đó không thể đáp ứng cuộc sống của các nghệ sĩ trẻ, vì thế các em phải ra đi. Có những em rất xinh, rất khá nhưng rồi lại lấy chồng rồi bỏ nghề”.

Ngoài vấn đề thu nhập, việc sức hút của sân khấu truyền thống ngày càng giảm do nhu cầu thưởng thức của công chúng thay đổi và nghệ sĩ sân khấu không còn ở thế độc tôn, cũng dẫn đến tâm lý dao động ở các diễn viên trẻ. Khi ánh sáng sân khấu không còn lấp lánh và hấp dẫn như nhiều loại hình giải trí khác, nhiều nghệ sĩ lựa chọn “đào tẩu” vì không chấp nhận thực tế khó khăn. Chẳng hạn, diễn viên nào có giọng đẹp một chút thì thử sức tham gia các giải như: “Giọng hát Việt”, “Sao Mai”... còn người nào ngoại hình sáng sủa, cao ráo một chút thì mạnh dạn lấn sân sàn catwalk... để hy vọng mau nổi tiếng, có thu nhập cao, thay vì cố bấu víu lấy nhà hát chỉ để sau vài năm mới được tăng một bậc lương, thêm vài trăm ngàn.

“Ngày xưa chúng tôi nhất nhất làm nghề thôi. Giờ xã hội phát triển, cuộc sống đầy đủ mọi thứ, nên các em cũng có nhiều lựa chọn. Mình không thể bắt các em suốt ngày lao vào tập luyện chỉ với đồng lương ít ỏi ấy được. Vấn đề quan trọng nhất, muốn giữ được nhân tài phải có chế độ đãi ngộ để các em đủ ăn, đủ sống sau đó mới nói đến những thứ khác” - NSƯT Lê Tuấn Cường tâm sự.

Việc thiếu hụt nguồn lực trẻ tại các nhà hát là thế, một số trường đào tạo về nghệ thuật cũng đang gặp vấn đề khi không tuyển được sinh viên ở vài nhóm ngành sân khấu truyền thống, trong đó có trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (ĐHSKĐA), cái nôi sản sinh ra nhiều diễn viên sân khấu nổi tiếng.

Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường ĐHSKĐA Hà Nội nói: “Cả chục năm qua nhà trường không tuyển được lớp Tuồng nào. Trong khi đó, hai năm nay ngành diễn viên Cải lương cũng không có người thi. Trước đây, trường có tuyển được một lớp 6-7 em, nhưng cũng phải nới tiêu chí. Biên kịch gần cả chục năm nay không tuyển được ai”.

Câu chuyện về Tuồng, Cải lương hay Biên kịch… không có người học thực sự là một điều đáng lo lắng cho khối sân khấu truyền thống, bởi ngay cả một nơi được xem là nguồn cung nhân sự lớn, uy tín như ĐHSKĐA Hà Nội còn gặp khó khăn, thì không biết sau 5 năm, 10 năm hoặc xa hơn nữa, liệu có bao nhiêu nghệ sĩ Tuồng, Cải lương được đào tạo đỉnh cao còn hoạt động chuyên nghiệp?

Với bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn cần phải có những chính sách và sự bảo trợ của Nhà nước. Một trong những lý do chính mà sinh viên đến với ngành ngày càng ít là ngoài việc cần có một sự kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản thì cơ hội để tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao vẫn là một điều khiến người theo học nghệ thuật truyền thống khó đạt được - NSND Bùi Thanh Trầm - nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội.

Tháo gỡ khó khăn, không chỉ nằm ở chuyện cơm áo!

Đánh giá về thực trạng “già hóa sân khấu”, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi cho biết: “Có một số vấn đề về sự thiếu hụt diễn viên trẻ tại các sân khấu truyền thống. Thứ nhất là vấn đề biên chế. Thứ hai là vấn đề sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở các địa phương vào với nhau, gọi là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Điều này xuất phát từ quyết định tinh giản biên chế, nhưng nó lại đang nảy sinh mâu thuẫn. Trước đây các nhà hát thì độc lập, giờ dồn cả Cải lương, Chèo, Tuồng… vào một Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, dẫn đến dư thừa nhân sự, phải giảm biên chế. Những diễn viên trẻ thường là những người chịu thiệt”.

 PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh - Ảnh: Hữu Kế

PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh - Ảnh: Hữu Kế

Muốn có một nền sân khấu tự chủ “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì trước hết phải chăm lo cho con người nghệ sĩ. Bởi nghệ sĩ là trung tâm của nghệ thuật sân khấu, mà trung tâm ấy bị non yếu, thì cả nền sân khấu sẽ non yếu theo...- PSG.TS Trần Trí Trắc.

NSND Hàn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, cũng thừa nhận lãnh đạo Nhà hát đang rất đau đầu để giải bài toán thiếu nhân lực, khi biên chế giới hạn chỉ có 86 người (cả 3 đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe...). Tính trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công. Số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thực sự, việc sáp nhập đang tạo ra khó khăn nhất định ở một số nhà hát. Trước đây, mỗi tỉnh có một đoàn kịch nhưng giờ sáp nhập tất cả vào một, người thiếu các nhà hát phải sử dụng người lẫn lộn. Theo chia sẻ của “người trong cuộc”, có nhà hát khi dựng một vở Cải lương, do thiếu người phải sử diễn viên Chèo. Có lúc, dựng vở Chèo, không đủ nhân sự, diễn viên Cải lương được “điền vào chỗ trống”. Chèo và Cải lương là những thể loại sân khấu khác nhau, diễn viên Chèo không thể hát Cải lương và ngược lại, nên nhiều vở diễn (vốn ít ỏi) không được hay.

Tại hội thảo “Vai trò nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, NSND Bùi Thanh Trầm - nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, công tác trẻ hóa chịu tác động từ nhiều phía như chính sách đãi ngộ, lương có đủ sống và quan trọng là nghệ thuật có được công chúng đón nhận hay không. Khi sân khấu không thể giúp họ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng thì có lẽ niềm đam mê, sự “sống chết với nghề” của nhiều nghệ sĩ cũng bị vơi đi ít nhiều.

Đồng tình với quan điểm này, NSƯT Lê Tuấn Cường đánh giá: “Muốn bảo tồn, phát triển được bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo, chúng ta phải đầu tư cho nó. Đôi khi phải “nuôi” bằng sự đãi ngộ. Để làm sao nghệ sĩ có thể đủ sống, thì họ mới say sưa với nghề. Bây giờ nhiều em đi hát ở ngoài, mỗi tối có thể được 500.000 - 1 triệu đồng, trong khi diễn ở Nhà hát chỉ được vài chục nghìn đến 100 nghìn”. Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, nhằm giữ chân và tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ, đơn vị đã“tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đi biểu diễn nước ngoài, nhằm tăng thêm thù lao. Nếu các em muốn xin vào nhà hát ở, chúng tôi có một số phòng để dồn các bạn lại cho ở cùng nhau tại nhà công vụ”.

Song, đó là giải pháp ngắn hạn, theo NSƯT Lê Tuấn Cường, điều quan trọng để giữ chân các bạn trẻ là phải đưa khán giả trở lại sân khấu. Mà điều này có nhiều cách, trong đó phải kể đến cần có những kịch bản hay, để có những tác phẩm hay. “Điểm yếu và thiếu nhất hiện nay trong ngành sân khấu của chúng tôi là tác giả, biên kịch chèo. Ngày xưa chèo có các nhà biên kịch nổi tiếng như Tào Mạt, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh… nhưng thế hệ đó giờ đã già hoặc ra đi rồi. Mới đây, cây đại thụ Chèo Trần Bảng cũng mất. Chèo bây giờ không còn nhiều nhà biên kịch giỏi” - NSƯT Lê Tuấn Cường nói. Cái khó của làm kịch bản sân khấu hiện nay, theo NSƯT Lê Tuấn Cường, chính là “tác phẩm phải mang hơi thở thời đại, có xu thế thời đại. Kể cả ngôn ngữ của ngày hôm nay cũng phải đáp ứng thì khán giả trẻ mới xem, mới trở lại sân khấu”.

Có điều, câu chuyện biên kịch đang là nỗi lo của Đại học Sân khấu Điện ảnh. Có nghĩa, đòi hỏi của nhà hát cũng là một phần bài toán của nhà trường. Lý giải cho sự khan hiếm về biên kịch (cả sân khấu truyền thống lẫn truyền hình), PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Viết một kịch bản hay không dễ. Ngoài ra, khi viết được thì kinh phí, nhuận bút trả cho cho biên kịch rất thấp. Có tác giả cả năm không viết nổi một vở. Nhìn chung, cả bên điện ảnh và sân khấu đều thiếu chứ không riêng khối truyền thống, kể cả kịch nói. Chất liệu cuộc sống có rất nhiều nhưng viết ra kịch bản hay không dễ”.

Trước thực tế khó khăn của ngành sân khấu, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi đưa ra quan điểm: “Nhà nước cần đầu tư cho nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng đầu tư có trọng điểm, không nên dàn trải. Thực ra, vấn đề của các tỉnh cũng có cái khó, tỉnh nào cũng muốn giữ, muốn bảo vệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn có hạn, theo tôi, nên quy hoạch vùng.

Ở Trung ương, tập trung đầu tư tốt vào các đơn vị đầu ngành như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là tinh hoa nghệ thuật của dân tộc, bộ mặt của Việt Nam. Còn ở các tỉnh, không phải tỉnh nào cũng cần Nhà hát Tuồng, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương… Ta nên xác định cái “nuôi” của từng thể loại. Ví dụ, Thái Bình cần có một Nhà hát Chèo… Còn làm sao giữ được các em sau khi ra trường, lại nằm ở vấn đề cơ chế. Đây là nút thắt vô cùng quan trọng”.

Sân khấu truyền thống rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ có nhiều nguyên nhân. Để giải quyết bài toán này, vấn đề không chỉ nằm ở việc “cởi trói” về cơ chế, mà đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa nhiều Bộ, ngành và cả sự điều chỉnh ngay trong chính mỗi nhà hát. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động nói chung và nghệ sĩ nói riêng, từ việc tăng lương cơ sở, đến đưa nhiều loại hình nghệ thuật vào nhóm ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Trên hết, Nhà nước có hẳn Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những giải pháp căn cơ, cụ thể hơn từ chính sách và cơ quan quản lý, các nhà hát và nhà trường sẽ phải tự mày mò để tìm lối đi cho riêng mình. Để “con hát” không “già” trên sân khấu truyền thống, cần lắm một cách làm mới, mạnh dạn hơn!

Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần có những chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với nghề; có những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo; có những cơ chế đặc thù hiệu quả giữ chân các tài năng trẻ để các em tiếp tục bám nghề, giữ nghề, nhất là đối với sân khấu truyền thống trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay - TS. Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam).

Hữu Kế

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-hut-nguon-luc-tre-tren-san-khau-nghe-thuat-truyen-thong-noi-lo-tu-nha-hat-den-nha-truong-post262615.html