Thiếu nguyên liệu làm khó ngành gỗ
Gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (gỗ rừng trồng chất lượng thấp hay non gỗ), vì vậy doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nhưng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao và không ổn định nguồn cung, doanh nghiệp vì thế không tự tin nhận đơn đặt hàng, do không đảm bảo thời gian và số lượng hàng theo hợp đồng xuất khẩu.
Ông Trần Anh Vũ - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa) nhận định, nhìn vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng/2019 đạt đến 6,1 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2018 (riêng sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 4,3 tỷ USD, tăng hơn 19%) cho thấy, triển vọng phát triển của ngành rất khả quan. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 thị trường chính đều là những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản, châu Âu (EU), Trung Quốc và Hàn Quốc, các thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.
Từ năm 2019 này, ngành gỗ Việt còn nhiều cơ hội hơn, nhờ tác động của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT)… Khi đó, các sản phẩm đồ gỗ (hàng thủ công mỹ nghệ và nội thất) xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế bằng 0%. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội lớn này, trong điều kiện hiện tại của doanh nghiệp Việt thật không dễ dàng, thậm chí khó khăn còn lớn hơn cả thuận lợi.
Ông Trần Anh Vũ phân tích, hiện nay ngành gỗ Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, với 95% là doanh nghiệp tư nhân. Phần lớn trong số này là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chỉ có 1,7% quy mô vừa, 2,5% quy mô lớn. Còn lại đến 46% có quy mô siêu nhỏ, 49% là quy mô nhỏ. Nếu xét về vốn đầu tư của doanh nghiệp có đến 93% số doanh nghiệp chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ). Vì vậy, doanh nghiệp Việt làm hàng xuất khẩu cũng chỉ là sản xuất gia công, ít có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đã vậy, khi kim ngạch xuất khẩu tăng, nhu cầu nguyên liệu sản xuất cũng tăng cao và yêu cầu nguồn nguyên liệu gỗ bảo đảm hợp pháp cũng ngày một khắt khe, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như không có cơ hội sản xuất hàng xuất khẩu, do không đảm bảo nguồn gỗ chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất hàng xuất khẩu. Cũng từ quy mô doanh nghiệp nhỏ, mà nguồn vốn để thay đổi công nghệ sản xuất đồ gỗ không nhiều, vì các thiết bị công nghệ trong chế biến gỗ có giá rất cao tính bằng “triệu đô”.
Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Tường Văn (TP. Bình Dương) cho biết thêm, là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, EU, nên thời gian qua doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn từ thiếu nguyên liệu gỗ chế biến hàng xuất khẩu.
Cụ thể, gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (gỗ rừng trồng chất lượng thấp hay non gỗ), vì vậy doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nhưng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao và không ổn định nguồn cung, doanh nghiệp vì thế không tự tin nhận đơn đặt hàng, do không đảm bảo thời gian và số lượng hàng theo hợp đồng xuất khẩu.
Ngoài ra, do nguyên liệu chiếm đến 60% giá thành sản phẩm nên giá bán sản phẩm gỗ (nội, ngoại thất) của Việt Nam luôn cao, cũng làm giảm lượng khách hàng. Nhìn bề nổi, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam rất lớn, nhưng thực tế doanh nghiệp lợi nhuận không bao nhiêu, bởi phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp kinh doanh gỗ nguyên liệu, hiện tại cũng chịu áp lực lớn do giảm giá bán, bởi sự cạnh tranh của gỗ từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, giá thành thấp hơn giá gỗ của doanh nghiệp nội, sẽ có lợi thế hơn trong tiêu thụ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu phía Nam băng khoăn, đây chính là gỗ không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu chung của cả ngành.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thieu-nguyen-lieu-lam-kho-nganh-go-91633.html