Thiếu vắc-xin tiêm chủng: Nhiều nguy cơ đáng lo ngại
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng thiếu một hoặc một vài loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn thường xuyên diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Đáng lưu tâm là thực tế này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát một số loại bệnh nguy hiểm đối với trẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Thiếu một số loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là tình trạng chung của cả nước, do thiếu cung ứng từ Trung ương. Trong số các loại vắc-xin nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có cả vắc-xin dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Tình trạng thiếu vắc-xin mang tính thời điểm đối với từng loại, chứ không thiếu toàn bộ. Có lúc thì thiếu vắc-xin SII (vắc-xin 5 trong 1 - phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB), IPV (vắc-xin bại liệt tiêm); có thời điểm thiếu vắc-xin sởi, vắc-xin DPT (vắc-xin 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván), có thời điểm thiếu viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh hoặc vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai...
Trong số đó, vắc-xin 3 trong 1 dành cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi (dùng tiêm nhắc lại sau khi trẻ đã tiêm 3 mũi 5 trong 1 trước 12 tháng tuổi) thiếu nhiều nhất. Trong khi trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh cần khoảng 3 nghìn liều đối với loại vắc-xin này, thì 10 tháng qua, tổng số lượng Thái Nguyên được cấp mới được hơn 10 nghìn liều (số còn thiếu là trên 20 nghìn liều).
Điều đáng nói thêm là trong tháng 11 và 12 tới đây, tình trạng thiếu vắc-xin vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, với nhiều loại, gồm: vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai; vắc-xin 3 trong 1, vắc-xin sởi - rubella (MR), vắc-xin lao (BCG), vắc-xin viêm não Nhật Bản.
Trong số này, chỉ một số ít vắc-xin còn tồn kho, có thể đáp ứng được một phần trong tháng 11, sang tháng 12 sẽ hết hoàn toàn nếu không được cấp bổ sung.
Theo quy định, vắc-xin được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện cấp 2 tháng/lần cho các tỉnh, thành. Tỉnh thực hiện cấp mỗi tháng/lần cho các huyện, hoặc theo lịch tiêm chủng của từng địa phương.
Cũng vì thiếu vắc-xin nên khi được Trung ương cấp bổ sung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phân bổ ngay cho các địa phương để tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ còn nằm trong độ tuổi tiêm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tình trạng thiếu vắc-xin tiêm cho trẻ có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đáng lo ngại là có những loại vắc-xin như viêm gan B liều sơ sinh cần được tiêm ngay trong 24 giờ đầu sau sinh, tối đa không quá 7 ngày sau khi sinh, nên nếu trong thời gian này trẻ không được tiêm thì sau đó cũng sẽ không có cơ hội để tiêm bù.
Trước thực trạng này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng: Cần coi việc thiếu vắc-xin là tình huống cấp bách và tìm cách mua vắc-xin ngay để trẻ được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch. Dù vậy, cho đến nay, thực tế này vẫn chưa được khắc phục.
Bác sĩ Lê Văn Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Định Hóa, cho biết: Do thiếu một số loại vắc-xin nên thời gian qua, tỷ lệ trẻ được tiêm đúng lịch trên địa bàn đạt thấp hơn so với kế hoạch. Trong khi kế hoạch đề ra đối với việc tiêm các loại vắc-xin cho trẻ từ 96% trở lên thì 9 tháng năm 2024, một số loại vắc-xin chưa đạt theo tiến độ như viêm não Nhật Bản mũi 2 đạt 61,6%; sởi mũi 2 đạt 65,2%...
Đây cũng là thực trạng chung của các địa phương khác trong tỉnh. Trước đó, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin cũng đã không hoàn thành kế hoạch.
Sang đầu năm 2024, sau khi được cấp bổ sung, tỉnh cũng mới hoàn chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời điểm tiêm tốt nhất cho nhiều trẻ đã bị lỡ, thậm chí là không được tiêm nếu đã qua độ tuổi.
Trái ngược với tình trạng thiếu tại các cơ sở y tế công lập, thì các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cơ bản vẫn đáp ứng đủ các loại vắc-xin, do các cơ sở này có tiềm lực tài chính tốt, quy trình nhập khẩu và phân phối linh hoạt... Chính vì thế, khi các cơ sở y tế công lập không đủ cung cấp, nhiều gia đình đã tìm đến cơ sở y tế tư nhân.
Tuy nhiên, do giá các loại vắc-xin này khá cao (đều từ vài trăm nghìn đồng/mũi) nên cũng chỉ có một bộ phận người dân đủ khả năng chi trả. Số đông, nhất là tại các địa bàn khó khăn, người dân vẫn đợi để được tiêm miễn phí.
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết thêm: Chúng tôi đã tích cực truyền thông tới các gia đình nên đến các cơ sở y tế tư nhân (được cấp phép) để tiêm đủ các mũi vắc-xin cần thiết cho trẻ. Khi trẻ chưa được tiêm đầy đủ các mũi, gia đình cần có biện pháp để phòng tránh và khi địa phương có thông báo kế hoạch tiêm bổ sung, tiêm vét, cần đưa con đến trạm y tế để được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.
Tại Việt Nam hiện có 10 loại vắc-xin tiêm miễn phí cho trẻ được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bại liệt.