Thịt lợn bị đẩy giá cao, người nuôi 'găm hàng' không muốn bán
Nguyên nhân thịt lợn bị đẩy giá cao bởi tình trạng găm hàng gây thiếu nguồn cung ra thị trường.
Giá thịt lợn hôm nay: Miền Bắc không biến động, miền Nam tiếp tục tăng
Theo ghi nhận tại các địa phương miền Bắc, sau chuỗi tăng liên tục, giá lợn hôm nay, 19/11 không có nhiều biến động, dao động trong khoảng 74 - 78 nghìn đồng/kg. Tương tự, tại miền Trung, so với tuần trước, giá lợn hơi không có biến động, từ 60 - 76 nghìn đồng/kg.
Ngược lại, tại miền Nam, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, tại Hậu Giang tăng tới 4 nghìn đồng/kg lên 70 nghìn đồng /kg; Bạc Liêu và Cần Thơ đồng loạt tăng 2 nghìn đồng /kg lên lần lượt 70 nghìn đồng và 68 nghìn đồng /kg. Giá lợn cao nhất tại Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre với mức dao động 73– 75 nghìn đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, khâu trung gian tiêu thụ thịt lợn đang có vấn đề.
“Ở đây có yếu tố trung gian rất lớn, người bán lẻ ít hơn, trước đây, 1 ngày TP.HCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện chỉ 8.000 - 8.500 con. Người bán lẻ phải bán tăng giá để bù đắp chi phí. Riêng những doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết nếu có được hệ thống cung cấp bán trực tiếp từ giết mổ đến bán lẻ thì điều tiết được giá", ông Trung nói.
Vì sao giá thịt lợn ngày càng tăng?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60 - 67 nghìn đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75 - 80 nghìn đồng/kg.
“Nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.
Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung”, ông Tiến phân tích.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Tại buổi họp với các bộ ngành liên quan chiều qua, 18/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN-PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Theo đó, Bộ NN-PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý; báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung-cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.
“Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3-3,9% và có thể thấp hơn mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá lợn tăng trên cơ sở bảo đảm cung-cầu và minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.