Thổ Nhĩ Kỳ bàn với Mỹ chuyện loại S-400 Nga để mua F-35?

Có thông tin rằng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập trở lại chương trình F-35, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ankara bàn giao các hệ thống S-400 mua từ Nga cho Mỹ hoặc di chuyển những hệ thống này tới khu vực do Mỹ kiểm soát ở căn cứ Incirlik.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho đang thực hiện các bước tiến đáng kể trong việc thảo luận với Mỹ về kế hoạch loại bỏ hệ thống phòng không tầm xa S-400 mà Ankara đã mua từ Nga.

Động thái này nhằm xúc tiến cho việc Thổ Nhĩ Kỳ quay lại mua tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ và tiềm năng khôi phục vị thế của Ankara như một đối tác Cấp 3 trong chương trình F-35 của Mỹ, theo trang Bulgarian Military.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bàn kế hoạch loại bỏ S-400 của Nga?

Trở lại vào tháng 7-2019, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bị loại khỏi chương trình F-35 sau khi bắt đầu nhận các thành phần của hệ thống S-400 từ Nga.

Mỹ đã sử dụng chương trình F-35 làm đòn bẩy gây ảnh hưởng lên Thổ Nhĩ Kỳ nhằm buộc nước này tuân thủ chính sách mở rộng hơn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc hạn chế doanh thu vũ khí chảy vào lĩnh vực quốc phòng của Nga.

 Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Sergei Malgavko / TASS

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Sergei Malgavko / TASS

Dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từng bóng gió về khả năng mua các máy bay chiến đấu của Nga như Su-35 hay Su-57, nhưng tính thực tế của lựa chọn này vẫn còn là dấu hỏi. Tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, sự tích hợp sâu các cấu trúc quân sự phương Tây, cùng sự phụ thuộc lớn vào phương Tây về chuyển giao công nghệ, thương mại, chính trị và hỗ trợ quân sự, tất cả đều đặt ra rào cản đáng kể.

Sau khi đàm phán với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ dường như chuyển trọng tâm từ mua tiêm kích F-16 cũ hơn sang ưu tiên kinh phí cho việc mua tiêm kích tàng hình F-35 do F-35 có ít hạn chế về xuất khẩu hơn.

Theo báo Kathimerin (Hy Lạp), vào mùa hè năm nay Mỹ đã đưa ra một đề xuất cụ thể để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Đề xuất này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giữ tên lửa S-400 trên lãnh thổ nước này nhưng thực tế là chuyển giao quyền kiểm soát cho Mỹ.

Trong các cuộc thảo luận đang diễn ra có vẻ tiến triển hơn so với trước đây, các quan chức Mỹ cấp cao đã đề xuất di chuyển các hệ thống S-400 tới khu vực do Mỹ kiểm soát tại căn cứ Incirlik ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến lược này nhằm đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ không vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng đã ký với Nga.

Bất chấp sự phức tạp của vấn đề, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như muốn đạt đến một thỏa thuận thành công nhằm giải quyết đáng kể một vấn đề lớn cho Mỹ và NATO, đồng thời cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tái tham gia chương trình F-35.

Ông Michael Rubin, nghiên cứu sinh tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (trụ sở tại Washington, Mỹ) tiết lộ với báo Kathimerini rằng trong chuyến thăm của quan chức Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1 và 2-7, bà Celeste Wallander - trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế và ông Michael Carpenter – cố vấn cấp cao về châu Âu tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận F-35 với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Rubin dẫn một nguồn tin rằng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập trở lại chương trình F-35, Washington đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bàn giao các hệ thống S-400 cho Mỹ hoặc tái bố trí chúng tại khu vực do Mỹ kiểm soát ở căn cứ Incirlik.

 Mỹ đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ mua các tổ hợp S-400 trị giá 2,5 tỉ USD từ Nga. Ảnh: Nordic Monitor

Mỹ đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ mua các tổ hợp S-400 trị giá 2,5 tỉ USD từ Nga. Ảnh: Nordic Monitor

Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nói rằng bà Wallander và ông Carpenter đã thảo luận về việc mở rộng các lĩnh vực để tăng cường quan hệ đối tác với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm nâng cao mối quan hệ quốc phòng lâu dài.

Khi được hỏi về tình hình chính xác của các cuộc đàm phán, người phát ngôn Lầu Năm Góc Javan Rasnake nói: “Từ năm 2019, chúng tôi đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ lập trường của chúng tôi về việc nước này mua hệ thống S-400 và hậu quả của việc đó, những điều vốn do pháp luật quy định. Không có thay đổi nào trong lập trường hay luật pháp của Mỹ về vấn đề này”.

Phương Tây lợi gì nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình F-35?

Theo các nguồn tin của báo Kathimerini, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn này không mấy tích cực. Tuy nhiên, ông Rubin nói rằng việc khôi phục thỏa thuận F-35 được cho là chủ đề cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm khi các nhà lãnh đạo và quan chức an ninh gặp nhau tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Hiện có nhiều phương án khác nhau đang được xem xét cũng như những thay đổi tiềm năng trong chính sách hay luật pháp của Mỹ cũng có thể được thực hiện.

Tình hình này làm tăng khả năng quân đội Mỹ có thể thử nghiệm các hệ thống S-400. Những cuộc thử nghiệm như vậy sẽ mang lại cho Mỹ những hiểu biết sâu sắc có giá trị về việc đối phó khả năng phòng không của Nga. Nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận như vậy, điều này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng tác chiến trên không của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêm kích F-35 của Mỹ cùng với tiêm kích J-20 của Trung Quốc là hai trong số những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được sản xuất hàng loạt trên thế giới. F-35 đang dần thay đổi khả năng tác chiến trên không của các nước phương Tây.

Mặc khác, Thổ Nhĩ Kỳ hiện dựa vào các biến thể cũ hơn của tiêm kích F-16 và F-4 – những máy bay vẫn còn sử dụng radar mảng quét cơ học lỗi thời và chưa áp dụng công nghệ tên lửa không đối không thế kỷ 21.

 Tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: Lockheed Martin

Tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: Lockheed Martin

Với Mỹ và cộng đồng phương Tây nói chung mà nói, việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình F-35 sẽ là động thái vô cùng có lợi. Trong số các thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự lớn nhất ở Trung Đông.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm đồng minh đã đóng vai trò then chốt trong việc chuyển hướng sự tập trung của Syria, Hezbollah và các bên liên quan khác trong khu vực khỏi Mỹ và Israel. Điều này đặc biệt có lợi cho các lợi ích của phương Tây kể từ khi xung đột giữa Israel và Palestine leo thang vào tháng 10-2023.

Trong bối cảnh các tiêm kích F-35 của Israel gây áp lực lên đối thủ, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phi đội F-35 dọc theo biên giới tây bắc của Syria càng làm trầm trọng thêm tác động này. Việc tăng cường khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong hỗ trợ các mục tiêu của NATO trong khu vực là vô giá, đặc biệt là khi lực lượng Mỹ bị phân tán mỏng trên nhiều chiến trường.

Mặc dù Israel phản đối việc Mỹ bán F-35 cho các quốc gia Ả Rập, nhưng họ không phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay này. Sự phát triển này sẽ cải thiện đáng kể vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Hơn nữa, rủi ro liên quan việc cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là rất nhỏ, nhờ vào hệ thống hậu cần ALIS tập trung. Hệ thống này cung cấp cho Mỹ khả năng phá vỡ nhanh chóng hoạt động của máy bay trong tay nước ngoài nếu cần thiết.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tho-nhi-ky-ban-voi-my-chuyen-loai-s-400-nga-de-mua-f-35-post812421.html