Thổ Nhĩ Kỳ 'bối rối' giữa hai con đường ở Syria: 'Thừa nước đục thả câu', Mỹ sắp giành lại 'át chủ bài' từ tay Nga?

Tình hình rối ren ở Idlib sẽ là cơ hội để Mỹ lấy lại đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ từ trong tay Nga. Nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu Ankara có muốn trở về vòng tay với Washington hay không.

Mỹ đang lên kế hoạch tước Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tay Nga.

Mỹ đang lên kế hoạch tước Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tay Nga.

Trong lúc tình hình Syria rẽ sang những bước ngoặt mới, Mỹ đã đưa ra những lời ủng hộ mạnh mẽ cho các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib với hy vọng, thúc đẩy nước này sẽ hành động hơn nữa để chống lại làn sóng tiến công của quân đội Syria và Nga.

Theo Jerusalem Post, Washington dường như muốn nhân cơ hội này để ưu tiên hơn đến chính sách đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria, với đòn bẩy người Kurd và Idlib để chống lại ảnh hưởng của Nga và Iran.

Tuy nhiên khả năng thành công của Mỹ đến mức nào sẽ còn phụ thuộc vào việc Washington có đáp ứng được nhu cầu của Ankara trong lúc này hay không.

Thời cơ cho Mỹ

Từ trước đến nay, mục tiêu tối thượng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là khiến Mỹ từ bỏ đối tác người Kurd ở miền Đông Syria nhưng không thành công. Ankara sau đó đã quyết định hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran để hoàn thành tiến trình hòa bình Astana cho Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga và các nhà lãnh đạo hai nước đã liên tục có các cuộc gặp quan trọng.

Hiện tại, định hướng chính sách của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang có sự chia rẽ lớn. Một số quan điểm ở Washington coi các chiến binh người Kurd là lực lượng hữu ích để chống lại IS và cáo buộc Ankara có các bước đi gây tổn hại đến quan hệ hai nước.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách khác của Mỹ lại coi người Kurd ở Syria mới là yếu tố làm hỏng mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời muốn từ bỏ người Kurd để tái thiết lập quan hệ sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại Iran.

Các nhà hoạch định chính sách này không bận tâm nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua vũ khí của Nga.

Phái đoàn Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này là một dấu hiệu cho thấy sự cam kết mới. Không chỉ có được sự ủng hộ công khai của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mà đặc phái viên về Syria James Jeffrey cũng đã có các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều duy nhất còn thiếu lúc này chỉ là một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thân Thổ Nhĩ Kỳ đã thắng trong các cuộc thảo luận về vấn đề Syria. Họ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của NATO và ngay cả khi nước này hợp tác với Iran và Nga, tốt hơn hết vẫn nên coi Ankara là một đồng minh thay vì đối thủ.

Xoa dịu tranh cãi

Nga không thể lặng im trước những đợt tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim từ Idlib.

Nga không thể lặng im trước những đợt tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim từ Idlib.

Có rất nhiều cách để Mỹ mang mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở lại. Theo đó, Washington có thể nghị Ankara quay lại chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 và bán hệ thống Patriot nhằm thay thế S-400.

Ngoài ra, Mỹ có thể cung cấp sự hỗ trợ cho người tị nạn và phiến quân Syria, bên cạnh việc giảm sự hỗ trợ đối với người Kurd hoặc ủng hộ các hoạt động mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Đông Syria.

Sẽ không thiếu sự lựa chọn mà Mỹ có thể thực hiện. Thành công hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều quan trọng nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ muốn xung đột với chính quyền Syria, dù cho cả hai đang vướng phải những tranh cãi lớn. Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ là đánh bại các nhóm người Kurd ở Syria mà nước này coi là mối đe dọa.

Idlib luôn là một vấn đề đối với Thổ Nhĩ Kỳ bởi nơi đây đang bị chiếm đóng bởi những kẻ cực đoan khó kiểm soát, trong khi chính quyền Syria chắc chắn sẽ tìm cách giành lại nơi đây bằng mọi giá.

Điều này đặt Ankara vào một vị trí khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ không thể từ bỏ Idlib nhưng cũng không có lý do để giữ Idlib bằng mọi giá. Với việc có 14 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc tấn công vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ không thể chỉ ngó lơ mà rời đi. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn đi theo chính sách tăng cường đối đầu với Nga, Syria và Iran như Mỹ mong muốn. Thổ Nhĩ Kỳ thích nhận một số hỗ trợ khác từ Mỹ.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần lên án các cuộc tấn công khủng bố không dứt từ Idlib đối với lực lượng của mình. Các quan chức Nga nói rằng họ hiểu những khó khăn mà đối tác Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt.

Tuy nhiên, các cứ điểm của lực lượng Syria, lực lượng Nga - căn cứ không quân Hmeymim bị tấn công bởi máy bay không người lái hàng ngày và Moscow không thể cứ ngồi lặng thinh chờ đợi điều gì xảy ra tiếp theo với Idlib.

Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chính nên sẽ không muốn người Mỹ thừa cơ rối ren để tước đi sự hợp tác đó. Chuyến thăm cấp cao của phái đoàn Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy người Nga tìm một thỏa thuận mới với Ankara. Trước khi thỏa thuận đó diễn ra, Ankara có thể sớm lấy cho mình một số nhượng bộ từ Mỹ.

Đối với Mỹ, câu hỏi lớn là làm thế nào để thuyết phục người Kurd ở miền Đông Syria tiếp tục chiến đấu với IS trong khi Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Có lẽ, câu trả lời khả thi nhất là việc Mỹ nên gửi thông điệp đến người Kurd rằng họ tốt nhất là nên chuyển sang hợp tác với Syria và Moscow, cũng như sớm thu xếp cho mình trước ngày Mỹ rời khỏi phần còn lại của miền Đông Syria.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thua-nuoc-duc-tha-cau-my-quyet-gianh-lai-at-chu-bai-tho-nhi-ky-tu-tay-nga-o-syria-a465655.html