Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi

Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường thâm nhập vào một số quốc gia châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy ảnh hưởng và thương mại. Nhưng với Trung Quốc và Nga là những thế lực thống trị ở đó, Ankara đang phải vật lộn để tìm ra vai trò của mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune ký thỏa thuận hợp tác tại Algiers ngày 21/11/2023. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune ký thỏa thuận hợp tác tại Algiers ngày 21/11/2023. Ảnh: AA/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 27/9, trong những năm gần đây, châu Phi đã trở thành một "sân chơi" hấp dẫn cho nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sự hiện diện của mình tại một số quốc gia châu Phi nhằm mở rộng ảnh hưởng và thúc đẩy thương mại, tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Nga, Ankara đang phải tìm cách xác định vai trò của mình trên lục địa này.

Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố Chính sách Sáng kiến Châu Phi vào năm 1998 với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại, ngoại giao và an ninh với các nước châu Phi. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng để đạt được các mục tiêu kinh tế. Volkan Ipek, chuyên gia từ Đại học Yeditepe, cho rằng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm "tăng cường kinh doanh và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do" khi khu vực châu Phi được xem là nơi ổn định và hiệu quả nhất cho chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên cơ sở đó, trong vòng hai thập kỷ qua, số lượng đại sứ quán của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi đã tăng từ 12 vào năm 2002 lên 44 vào năm 2022. Hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines hiện có các chuyến bay tới 62 điểm đến ở châu Phi. Tăng trưởng thương mại cũng đáng chú ý khi kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi đã tăng từ 5,4 tỷ USD vào năm 2003 lên hơn 41 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, mặc dù con số này đã giảm xuống còn 37 tỷ USD vào năm 2023.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Somalia vào năm 2011. Chuyến thăm này đã thúc đẩy sự can dự của Ankara vào Somalia, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài.

Tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận thăm dò và sản xuất hydrocarbon với Somalia, nước trao quyền thăm dò dầu khí cho Ankara tại ba lô ngoài khơi. Điều này cho thấy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, khoảng 74% nguồn cung năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm khí đốt từ Nga, Azerbaijan, và Algeria, và mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Ai Cập, Nga, Pháp và Nigeria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang khẳng định vai trò là đối tác an ninh quan trọng của một số quốc gia châu Phi. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật triển khai quân đội tại Somalia nhằm cải thiện an ninh nội địa. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình SIPRI, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ tư cho khu vực châu Phi cận Sahara.

Cạnh tranh với Trung Quốc và Nga

Dân số trẻ của châu Phi cùng với nhu cầu hàng hóa ngày càng gia tăng đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các dự án do Trung Quốc, Nga và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh khởi xướng. Chuyên gia Ipek nhận định rằng châu Phi đang phát triển thành một "thị trường lớn" và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tránh khỏi việc phải tham gia vào cuộc cạnh tranh này.

Chiến lược châu Phi của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đầy tham vọng, nhưng quốc gia này vẫn liên tục không đạt được mục tiêu về khối lượng thương mại với châu Phi là 50 tỷ euro mỗi năm. Con số này được đặt ra từ năm 2012 - bốn năm sau khi Liên minh châu Phi tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác chiến lược". Năm 2021, Tổng thống Erdogan thậm chí còn tuyên bố rằng mục tiêu thương mại với châu Phi hiện là 75 tỷ USD mà không đưa ra khung thời gian để đạt được mục tiêu.

Ufuk Tepebas, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi của Đại học Basel, cho biết việc đặt ra mục tiêu là một chuyện, nhưng điều cần thiết hơn là "xác định tiềm năng của các quốc gia và đa dạng hóa các đối tác thương mại".

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ký các hiệp định thương mại tự do với 4 quốc gia châu Phi gồm Tunisia, Ai Cập, Maroc và Mauritius. Somalia và Sudan vẫn chủ yếu nhận được viện trợ phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hợp tác song phương chủ yếu tập trung vào mối quan hệ tôn giáo và lịch sử chặt chẽ của Thổ Nhĩ Kỳ với hai quốc gia này.

Ngoài việc bán vũ khí cho châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai các khoản đầu tư dân sự lớn tại đây. Theo Bộ trưởng Thương mại nước này Ömer Bolat, tổng cộng 1.864 dự án đã được hoàn thành trong vài thập kỷ qua, với tổng số tiền đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ là 85,4 tỷ USD. Ví dụ, công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ Yapi Merkezi đã giành được hợp đồng trị giá 2,35 tỷ USD để nâng cấp mạng lưới đường sắt ở Tanzania.

Tuy nhiên, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong việc đảm bảo nguồn tài chính cần thiết cho các dự án lớn. Ufuk Tepebas, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi của Đại học Basel cho biết: "Trung Quốc hỗ trợ trực tiếp cho các công ty của mình thông qua Ngân hàng Exim. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận được sự hỗ trợ tương tự từ các ngân hàng của họ, và ngay cả khi họ nhận được, số tiền cũng không thể so sánh được".

Chỉ tính riêng năm 2023, tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã đạt 282 tỷ USD. Để so sánh, đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay chỉ vào khoảng 10 tỷ USD.

Về phần mình, chuyên gia Ipek cho rằng sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Phi tụt hậu so với Nga về mặt chính trị và Trung Quốc về mặt kinh tế. "Thay vì tập trung chủ yếu vào nhập khẩu và xuất khẩu, Thổ Nhĩ Kỳ nên đầu tư nhiều hơn và thực hiện một số dự án lớn", ông Ipek nói và nêu tên Dự án Medusa là một ví dụ điển hình - tuyến cáp quang ngầm dưới biển ở Địa Trung Hải sẽ nối liền Bắc Phi với Nam Âu và đang được xây dựng mà không có Thổ Nhĩ Kỳ.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo DW.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tho-nhi-ky-canh-tranh-gianh-anh-huong-o-chau-phi-20240928100820178.htm