Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria cùng Mỹ tuần tra 'vùng an toàn'
Các xe quân sự có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới vào Syria để bắt đầu tuần tra chung với Mỹ nhằm thiết lập 'vùng an toàn' dọc khu vực biên giới do các lực lượng người Kurd kiểm soát.
Việc tuần tra trên bộ đánh dấu bước tiến hợp tác mới nhất giữa các đồng minh NATO ở phía đông con sông Euphrates, dù các bên vẫn tranh cãi kịch liệt về kích cỡ vùng an toàn cũng như về lực lượng quản lý, giám sát vùng này. Syria nói rằng, việc tuần tra chung Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn chuyển 3,6 triệu người tị nạn Syria mà họ đang tiếp nhận sang vùng an toàn. Việc tuần tra sẽ tiếp tục trong những ngày tới để người Syria trở về và các lực lượng khủng bố rút khỏi vùng an toàn, hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này.
Sau các cuộc thương lượng căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã thành lập được trung tâm hoạt động chung nhưng vẫn bất đồng về khoảng cách vùng an toàn ăn sâu bao xa vào lãnh thổ Syria và về cấu trúc chỉ huy của các lực lượng hoạt động ở vùng này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung bằng trực thăng trên vùng an toàn. Sau tám năm chiến tranh ở phía nam biên giới của mình, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng tái định cư cho 1 triệu người tị nạn ở miền bắc Syria.
IS đang tái xuất giang hồ?
Đồng minh số một của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS, tướng Mazloum Kobani Abdi, chỉ huy của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn dắt, cảnh báo rằng, IS đang tái xuất ở Syria, nên Mỹ cần tăng cường ủng hộ SDF, CNN đưa tin ngày 7/9. Tướng Abdi cho rằng, IS đã chuẩn bị để biến đổi thành lực lượng nổi dậy trước khi tổ chức khủng bố này đánh mất thành trì cuối cùng của mình ở Syria hồi tháng 3.
SDF có khoảng 35.000 người, bao gồm các chiến binh người Kurd và Ảrập. Dưới sự hỗ trợ của hàng ngàn cuộc không kích và cố vấn quân sự Mỹ, lực lượng này đóng vai trò chính trong việc đẩy đuổi IS khỏi các thành phố và thị trấn khắp Syria.
Khi được hỏi liệu quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Syria từ gần 3.000 xuống còn chưa đầy một nửa như hiện nay có ảnh hưởng tới năng lực chống IS của SDF hay không, tướng Abdi trả lời: “Dĩ nhiên, đang ảnh hưởng tiêu cực”.
Cả chỉ huy SDF và giới chức Mỹ đang lo ngại về năng lực của SDF trong việc tiếp tục canh giữ hàng chục nghìn tay súng IS bị bắt giữ và gia đình họ, gồm hơn 2.000 chiến binh người nước ngoài đến từ khoảng 50 nước, trong đó có nhiều quốc gia châu Âu. Họ đang bị tạm giữ ở các cơ sở giam giữ và các trại tạm bợ.
Chính quyền của ông Trump từ lâu muốn các nước hồi hương các công dân của họ từng tới Syria để chiến đấu cho IS, rồi truy tố họ. Nhưng mong muốn này ít khi trở thành hiện thực.
Chỉ huy SDF nói rằng, ông muốn các nước hồi hương công dân họ hoặc thành lập một tòa án quốc tế ở đông bắc Syria để xét xử các tay súng IS.