Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng châu Á

Tại hội nghị thường niên của các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tại Ankara, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lần đầu tiên công bố sáng kiến 'Asia Anew' (tạm dịch: Trở lại châu Á).

Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ, quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang căng thẳng cũng như con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) có nhiều trở ngại.

 Châu Á đang trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. (Ảnh: Singapore là một quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế ở châu Á). Ảnh tư liệu

Châu Á đang trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. (Ảnh: Singapore là một quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế ở châu Á). Ảnh tư liệu

Mục đích của sáng kiến, một phần trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là cải thiện quan hệ của Ankara với các quốc gia châu Á, qua đó thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, công nghiệp quốc phòng, đầu tư, thương mại, công nghệ, văn hóa và đối thoại chính trị.

Theo ông Mevlut Cavusoglu, cộng đồng quốc tế đang cạnh tranh để được tham gia nhiều hơn tại châu Á vì khu vực này đang trở thành trung tâm kinh tế của thế giới. Vậy nên, việc Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của châu Á có ý nghĩa quan trọng, cũng giống như việc nước này là một phần của châu Âu. Dù đưa ra sáng kiến hướng tới châu Á nhưng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không quay lưng với châu Âu.

Tuyên bố thúc đẩy hợp tác với châu Á được Ankara đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, một đồng minh trong NATO trở nên căng thẳng do Ankara kiên quyết thực hiện hợp đồng mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Mới đây, Washington đã quyết định rút lại đề xuất bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là biện pháp đáp trả mới nhất của Mỹ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Trước đó, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình chế tạo máy bay tàng hình F-35 của NATO. Lâu nay, Mỹ và các nước thành viên khác trong NATO lo ngại rằng, nếu trong tay Ankara có cả S-400 và máy bay F-35 thì các hệ thống radar của Nga sẽ mau chóng học được cách tính toán và theo dõi những máy bay này. Bất chấp Mỹ đe dọa trừng phạt, Ankara vẫn kiên quyết có được hệ thống S-400.

Trong khi đó, triển vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang mờ dần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) hồi cuối tháng 5 vừa qua đánh giá các điều kiện về tư pháp và kinh tế của nước này đang giảm sút. Trong báo cáo thường niên đánh giá những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập EU, EC nhấn mạnh tiến trình này hiện “đóng băng” do Ankata “tái vi phạm nghiêm trọng” một số vấn đề, trong đó có sự độc lập của ngành tư pháp và chính sách ổn định kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia tiến trình đàm phán xin gia nhập EU từ tháng 10/2005, song tiến bộ đạt được rất chậm.

Các chuyên gia nhận định, chiến lược hướng tới châu Á sẽ giúp nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn cầu trong bối cảnh quan hệ của nước này với Mỹ và châu Âu không "xuôi chèo mát mái". Ông Altay Atli, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Koc ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu hội nhập với phương Tây, nhưng nước này cũng đang tìm cách thúc đẩy hợp tác với các đối tác kinh tế châu Á vì nhận thức được tầm quan trọng đang gia tăng của khu vực này.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/tho-nhi-ky-gia-tang-anh-huong-chau-a-74290.html