Thổ Nhĩ Kỳ khoan thăm dò ngoài đảo Síp bất chấp mọi đe dọa
Ngày 8/7, Síp đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ cử tàu thăm dò thứ hai đến khám phá các mỏ khí đốt ngoài khơi đảo Síp. Trước đó Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ 'mối quan ngại sâu sắc' trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí đe dọa trừng phạt Ankara.
"Chính phủ Síp lên án mạnh mẽ hoạt động khoan thăm dò bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Đông đảo Síp", phủ Tổng thống Cộng hòa Síp tuyên bố.
Việc phát hiện ra các mỏ khí khổng lồ ở khu vực đảo Síp thời gian qua đã gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Nicosia.
Trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phái tàu khoan thăm dò đầu tiên, Fatih, tới khám phá các mỏ khí ngoài khơi bán đảo Karpas do Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp kiểm soát. Ngày 20/6, Ankara tiếp tục gửi thêm tàu thăm dò thứ hai, Yavuz, tới khu vực này.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng tàu Yavuz sẽ bắt đầu khoan thăm dò ở ngoài khơi đảo Síp trong tuần này.
EU, từ đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/7 tiếp tục bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về các hoạt động khoan thăm dò này và cho rằng đó là những hành động "vi phạm chủ quyền của Síp".
"Liên minh châu Âu sẽ đáp trả một cách thích hợp”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Federica Mogherini nói trong một tuyên bố.
Chính quyền Síp gần đây đã ban hành lệnh bắt giữ thủy thủ đoàn tàu Fatih.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cho rằng việc khoan thăm dò này phù hợp với luật pháp quốc tế, phản đối bất kỳ hoạt động khai thác tài nguyên khí đốt nào ngoài đảo Síp mà không có sự tham gia của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp tự xưng.
Vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.