Thổ Nhĩ Kỳ 'tặng' tên lửa S-400 cho Mỹ đổi lấy tiêm kích tàng hình F-35

Theo truyền thông Hy Lạp để giải bài toán hợp đồng F-35, Thổ Nhĩ Kỳ phải trao cho Mỹ quyền kiểm soát các tên lửa S-400 để đổi lấy tiêm kích tàng hình từ Washington.

Theo trang Kathimerini, Mỹ được cho đã đưa ra một đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết những vướng mắc xoay quanh hợp đồng tiêm kích F-35 với Ankara. Đề xuất này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thể giữ lại các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua từ Nga nhưng phải do quân đội Mỹ kiểm soát.

Đây được xem là thay đổi lớn từ phía Mỹ nhằm giải quyết dứt điểm các tranh chấp đối với việc chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Lầu Năm Góc hy vọng Ankara sẽ chuyển toàn bộ số tên lửa S-400 đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Incirlik, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận này về cơ bản giúp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được uy tín của mình và không phá vỡ các cam kết trong hợp đồng mua S-400 với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay F-16 trong cuộc thử nghiệm vào năm 2019. (Ảnh: South Front)

Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay F-16 trong cuộc thử nghiệm vào năm 2019. (Ảnh: South Front)

Lời giải cho bài toán F-35?

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Rubin giải thích với Kathimerini rằng, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã đưa ra đề xuất này vào tháng 7 sau khi xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận F-35 với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nếu muốn tái tham gia chương trình F-35 họ phải thực hiện yêu cầu do Washington đưa ra.

Theo nguồn tin của Kathimerini, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với đề xuất này không mấy tích cực. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận sẽ tiếp theo sẽ được hai bên đưa ra thảo luận bên thềm Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York.

Ông Rubin nói thêm, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đề xuất và tuyên bố sẽ giữ quyền kiểm soát các tên lửa S-400. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn còn cơ hội khi đây là chủ đề sẽ được lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Việc Mỹ đề xuất thỏa thuận trên cho Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giải quyết thỏa thuận F-35 với Ankara. Dù vậy kế hoạch này vẫn cần có sự đồng ý của Quốc hội Mỹ.

Nếu thỏa thuận này được thông qua, S-400 được chuyển đến căn cứ Incirlik, quân đội Mỹ sẽ có cơ hội thử nghiệm hệ thống vũ khí này nhiều hơn. Đây là cơ hội không dễ có được bởi S-400 vẫn là nền tảng sức mạnh của lực lượng phòng không Nga hiện tại.

Mỹ luôn loại các nguy cơ từ các hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vốn có thể quét toàn bộ hoạt động của căn cứ Incirlik.

Mỹ luôn loại các nguy cơ từ các hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vốn có thể quét toàn bộ hoạt động của căn cứ Incirlik.

Mỹ luôn lo sợ S-400 Thổ Nhĩ Kỳ

Trong quá khứ từng ghi nhận nhiều lần đụng độ giữa vũ khí phòng không Liên Xô, Nga và máy bay chiến đấu của Mỹ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều thập kỷ trước. Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra tiền lệ mới giữa vũ khí phòng hiện đại bậc nhất của Nga là S-400 với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4/4+ F-16 Fighting Falcon và thế hệ 5 F-35 Lightning II.

Dù không công khai, nhưng Mỹ đã từng phải giới hạn hoạt động của các máy bay tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II tại Syria do sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM và S-400 của Nga triển khai ở các căn cứ Tartus và Hmeymin. Bởi vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ duy trì hoạt động S-400 gần các căn cứ NATO ở nước này rất có nguy cơ làm lộ lọt các thông tin về đặc điểm mẫu tín hiệu khi hoạt động của máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.

Giới chức quân sự Mỹ cũng đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của S-400 và coi sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không hiện đại này sẽ khiến thị trường xuất khẩu máy bay F-35 bị thu hẹp.

Chính vì các lý do trên, Mỹ bằng nhiều cách khác nhau cố gắng ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu và đưa vào trang bị S-400, thậm chí là đe dọa trừng phạt. Washington từng dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa chung của NATO và áp dụng đạo luật Trừng phạt các quốc gia đối thủ (CAATSA), nếu Ankara cố tình đưa vào trang bị các tổ hợp S-400.

Cũng vì S-400, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan tới máy bay F-35 đã bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, động thái cứng rắn của Mỹ không thể lay chuyển được quyết tâm sở hữu S-400 của Ankara.

Giới chức quân sự Mỹ luôn đánh giá cao khả năng phòng thủ của S-400 và xem đây là mối đe dọa đối với F-35.

Giới chức quân sự Mỹ luôn đánh giá cao khả năng phòng thủ của S-400 và xem đây là mối đe dọa đối với F-35.

Tên lửa S-400 có gì đặc biệt?

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa cả về công nghệ quân sự lẫn kinh nghiệm chiến đấu của các tổ hợp tiền nhiệm, tạo nên sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ và hiệu quả mà không có hệ thống nào tương tự trên thế giới có thể sánh kịp.

Theo tờ Business Insider (Mỹ), hệ thống này được đánh giá là có khả năng chiến đấu gấp gần 4 lần hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Chìa khóa giúp S-400 có sức mạnh chính là tính linh hoạt và khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu ở cự ly lên tới 400km.

Các tên lửa S-400 có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly xa đến 400km và ở độ cao lên tới 30km trong môi trường nhiễu mạnh của đối phương.

Biên chế của 1 tổ hợp S-400 gồm: Radar cảnh giới nhìn vòng 92N6E tầm trinh sát 600km và radar chiếu xạ 92N2E trinh sát và điều khiển tới 400 km. Kèm theo đó là các xe bệ phóng tự hành 5P85TE2 hoặc 5P85SE2 đặt trên xe tải BAZ-64022 hay MAZ-543M.

Hiện nay, ngoài quân đội Nga, tên lửa S-400 đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Nhiều quốc gia khác cũng đã bảy tỏ sự quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không tối tân này, trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số hợp đồng mới.

Trà Khánh (Nguồn: Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tho-nhi-ky-tang-ten-lua-s-400-cho-my-doi-lay-tiem-kich-tang-hinh-f-35-ar898264.html