Thỏa thuận gây tranh cãi

Dưới sự trung gian của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, I-xra-en và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử, qua đó bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời nhất trí việc I-xra-en đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ tây. Dù thỏa thuận làm tan băng quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ, song lại gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Pa-le-xtin, bởi Pa-le-xtin cho rằng không bên nào có thể nhân danh người Pa-le-xtin giải quyết vấn đề liên quan khu Bờ tây.

Dưới sự trung gian của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, I-xra-en và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử, qua đó bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời nhất trí việc I-xra-en đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ tây. Dù thỏa thuận làm tan băng quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ, song lại gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Pa-le-xtin, bởi Pa-le-xtin cho rằng không bên nào có thể nhân danh người Pa-le-xtin giải quyết vấn đề liên quan khu Bờ tây.

Thỏa thuận hòa bình giữa I-xra-en và UAE là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài và mới được đẩy nhanh tiến độ giữa I-xra-en, UAE và Mỹ. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu và Thái tử UAE Mô-ha-mét Bin Day-ét An-na-hi-an đã đạt được thỏa thuận trong một cuộc điện đàm. Ba nước ra tuyên bố chung nêu rõ đồng ý bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa I-xra-en và UAE. Các quan chức cấp cao của Nhà trắng cho biết, trong thỏa thuận này, I-xra-en đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin, mà I-xra-en đang thảo luận về việc sáp nhập. Theo kế hoạch, phái đoàn I-xra-en và UAE sẽ gặp nhau nhằm ký các thỏa thuận song phương về việc thiết lập đại sứ quán.

Tổng thống Mỹ Đ.Trăm ca ngợi đây là “bước đột phá lớn” và là “thỏa thuận hòa bình lịch sử” giữa I-xra-en và UAE. Ông cho biết, sau 49 năm, I-xra-en và UAE sẽ hoàn toàn bình thường hóa quan hệ ngoại giao, bắt đầu hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại và an ninh. Theo giới chức Nhà trắng, thỏa thuận sẽ được biết đến với tên gọi Hiệp ước A-bra-ham và là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi I-xra-en và Gioóc-đa-ni ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Thỏa thuận này được coi là thành công về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Đ.Trăm, đem lại lợi thế cho ông trong nỗ lực tái cử khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tới. Thỏa thuận này cũng làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với UAE, quốc gia mà chính quyền Đ.Trăm đã thúc đẩy việc bán vũ khí, bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ bởi vai trò của UAE trong cuộc chiến tại Y-ê-men. UAE cũng luôn là quốc gia được coi như một trọng tâm mà I-xra-en nỗ lực hướng tới nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước A-rập vùng Vịnh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét bày tỏ hy vọng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE có thể giúp thiết lập giải pháp hai nhà nước giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, qua đó mang lại hòa bình tại Trung Đông. Ông A.Gu-tê-rét kêu gọi các nhà lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước theo đúng nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương. Các nước Nga, Pháp, Anh, Ai Cập và một số quốc gia trong khu vực hoan nghênh quyết định của I-xra-en được đưa ra trong thỏa thuận với UAE, theo đó từ bỏ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin; đồng thời tin tưởng thỏa thuận này sẽ đem lại hòa bình cho Trung Đông. Cộng đồng quốc tế hy vọng các bên sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Tuy nhiên, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát lên án mạnh mẽ hành động của nước láng giềng A-rập trong khu vực và yêu cầu Đại sứ Pa-le-xtin tại UAE trở về nước ngay lập tức. Ban lãnh đạo Pa-le-xtin bác bỏ và lên án tuyên bố ba bên của UAE, I-xra-en và Mỹ; đồng thời coi động thái của UAE là “một sự phản bội”. Pa-le-xtin kêu gọi Liên đoàn A-rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo nhóm họp để bác bỏ thỏa thuận nêu trên; đồng thời khẳng định, UAE và bất kỳ bên nào khác không có quyền nhân danh người dân Pa-le-xtin trong vấn đề này.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/thoa-thuan-gay-tranh-cai-613706/