Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn mong manh

Bất chấp nỗ lực nghiêm túc của các bên nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký giữa Tehran với nhóm P5+1 năm 2015, số phận của bản thỏa thuận này vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh các bên đang mất dần sự bình tĩnh…

Việc Iran giảm cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân và để ngỏ khả năng rút khỏi thỏa thuận đang làm gia tăng bầu không khí căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Kể từ khi Mỹ rút khỏi bản thỏa thuận này hồi năm ngoái, Iran và các đối tác Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga đã cố gắng để duy trì bản thỏa thuận được coi là lịch sử giúp mở ra giải pháp cho hồ sơ hạt nhân Iran. Tuy nhiên, các nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả trông đợi là bảo đảm chắc chắn thỏa thuận có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ không bị phá vỡ.

Cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 6-12 của đại diện các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Ảnh: Reuters.

Cuộc họp ngày 6-12 tại Vienne (Áo) của phái viên 5 nước nói trên là nỗ lực mới nhất nhằm cứu vãn những gì còn có thể. Sau cuộc họp, không có kết quả rõ ràng nào được đưa ra. Các nước đã yêu cầu Iran phải tuân thủ một cách toàn diện thỏa thuận năm 2015 để tránh gia tăng căng thẳng. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, phái viên Trung Quốc cho biết, các nước Anh, Pháp, Đức đã quyết định không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có trong thỏa thuận để trừng phạt Iran sau những động thái cứng rắn mới đây của nước này. Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu kiềm chế thực hiện các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Trung Quốc không thể chắc chắn các nước có thể kiểm soát được tình hình và điều này có thể khiến căng thẳng càng thêm trầm trọng.

Quyết định không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp thực chất là một hành động kiềm chế của Anh, Pháp, Đức đối với Iran vì các nước này cũng không muốn đẩy tình hình lên cao, bởi nếu làm như vậy sẽ dẫn tới việc Liên hợp quốc (LHQ) tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và hậu quả là Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận cũng như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuy nhiên, Anh, Pháp, Đức cũng đã có hành động cảnh báo Iran để ngăn nước này vi phạm thỏa thuận thông qua việc cắt giảm các cam kết. Trước đó, 3 nước đã gửi tới Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bức thư, trong đó cáo buộc Tehran sở hữu tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo đó, kêu gọi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thông báo cho HĐBA LHQ rằng chương trình tên lửa của Iran là “không tuân thủ” nghị quyết của LHQ. Bức thư được đưa ra vào đúng thời điểm bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng liên quan đến việc Tehran giảm cam kết của mình trong JCPOA nhằm đáp lại quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Đáp lại động thái trên, Iran tuyên bố bức thư cho thấy “sự thiếu hiểu biết” của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015. Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi Anh, Pháp, Đức không nên “cúi đầu” trước sự bắt nạt của Mỹ. Trước đó, Tehran cũng đã chỉ trích 3 nước Anh, Pháp, Đức đã không bảo vệ được nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thực tế, để cứu vãn thỏa thuận bên bờ sụp đổ, Liên minh châu Âu đã đồng ý tạo ra cơ chế giao dịch thương mại với Iran để tránh tác động của lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Tuy nhiên, cơ chế này không mang lại kết quả như Iran mong muốn, buộc Tehran có động thái cứng rắn.

Trong 7 tháng qua, Iran đã tiến hành một loạt bước đi giảm bớt các cam kết trong JCPOA nhằm đáp trả động thái rút khỏi thỏa thuận và lệnh cấm vận của Mỹ, cũng như phản ứng với sự chậm trễ của các quốc gia châu Âu trong việc tạo thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng cùng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Trong đó có việc Iran làm giàu urani trở lại ở mức vượt ngoài giới hạn cho phép có trong thỏa thuận 2015. Gần đây, Iran nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam, đồng thời bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền Trung. Iran khẳng định có thể nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp mà nước này thực hiện nếu các bên còn lại trong thỏa thuận tìm ra cách giúp Tehran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết, ông nhận thấy sự nghiêm túc của các quốc gia trong việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cứu vãn thỏa thuận. Song ông cũng thừa nhận vẫn còn những vấn đề và trở ngại trong cách tiếp cận của các bên. “Mục tiêu của chúng tôi là không rời khỏi JCPOA. Nhưng sau một năm chờ đợi và chứng kiến việc các nước châu Âu không có những động thái chống lại các hành động của Mỹ đối với Iran, chúng tôi đã quyết định giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ trở lại với các cam kết trong JCPOA”, ông Araghchi nhấn mạnh.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thoa-thuan-hat-nhan-iran-van-mong-manh-604718