Thoát nghèo nhờ vốn vay giải quyết việc làm ở Mường Nhé

Gần đây, ngày càng nhiều hộ gia đình ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển kinh tế.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé thăm mô hình trang trại của người dân.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé thăm mô hình trang trại của người dân.

“Giá đỡ” thoát nghèo...

Mường Nhé là huyện nghèo, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều hộ vẫn trong vòng luẩn quẩn do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Từ thực tế trên, thời gian qua các cấp Đoàn, Hội trên địa bàn huyện Mường Nhé đã tích cực phối hợp ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính xã hội huyện ủy thác các nguồn tín dụng chính sách cho các hội viên vay vốn. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều hội viên, giúp họ có cơ hội khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo.

Trước đây gia đình chị Khoàng Thị Phung ở Bản Mường Toong 3, xã Mường Toong (Mường Nhé) chỉ làm mấy thửa ruộng lúa nước và nuôi vài con gia cầm để duy trì cuộc sống.

Từ năm 2020, thông qua ủy thác của Hội LHPN xã, chị đã vay 70 triệu đồng (chương trình cho vay giải quyết việc làm) từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển chăn nuôi. Chị đã đầu tư mua 4 con bò sinh sản và nuôi lợn thương phẩm.

Sau 2 năm, mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình chị đã dần hình thành và bước đầu đã cho thu nhập. Với số vốn ban đầu, đến nay chị đã có đàn bò hơn chục con. Không những thế, chị tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi cá, nuôi gà thả đồi, tạo sản phẩm hàng hóa. Hiện nay gia đình chị là một trong những hộ có thu nhập khá nhất trong bản.

Ngay từ nhỏ Giàng Thị Mỷ ở bản Mường Toong 1, xã Mường Toong đã quen với những ngày dài theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Cuộc sống bấp bênh phụ thuộc vào bắp ngô, hạt lúa, năm được, năm mất mùa.

“Thấu hiểu những khó khăn vất vả của cha mẹ, khi trưởng thành mình đã quyết tâm thoát ly khỏi đồng ruộng, tìm hướng đi mới để thoát khỏi đói nghèo”, chị Mỷ tâm sự.

Với 50 triệu đồng vốn vay ban đầu Giàng Thị Mỷ đã dùng một phần để học nghề, một phần mua máy may. Chị đã khởi nghiệp thành công từ cửa hàng may mặc chuyên sản xuất kinh doanh trang phục truyền thống của đồng bào Mông, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia gia đình, năm 2022 chị Mỷ còn mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm đầu tư thêm máy móc, mở các lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ người Mông. Công việc này vừa tăng thêm thu nhập, vừa đào tạo nghề cho chị em. Đồng thời giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc của dân tộc mình qua những bộ trang phục truyền thống.

Chị Giàng Thị Mỷ (bên phải) hướng dẫn học viên học nghề may.

Chị Giàng Thị Mỷ (bên phải) hướng dẫn học viên học nghề may.

Tạo động lực giúp nông dân vươn lên...

Cùng với việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé đã tích cực phối hợp với các Hội, Đoàn thể nhận ủy thác cho vay vốn thường xuyên giám sát nguồn vốn cho vay.

Đơn vị cũng tuyên truyền, vận động người dân sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất, góp phần giải quyết, việc làm, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay hầu hết các hộ vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm đều sử dụng hiệu quả, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bà Lù Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Toong cho biết: Hiện Hội LHPN xã có 5 tổ vay vốn với hơn 200 thành viên, chủ yếu vay các chương trình: Cho vay hộ nghèo; vay sản xuất kinh doanh; vay nguồn giải quyết việc làm. Từ các chương trình tín dụng này đã có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu ở địa phương.

Ông Hoàng Xuân Quyết, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé cho biết: “Với vai trò “cầu nối” giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua phòng đã luôn đồng hành cùng các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân”.

Tính đến nay, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt trên 330 tỷ đồng. Toàn huyện có gần 8.000 hộ vay còn dư nợ, 161 tổ tiết kiệm, vay vốn trải khắp các bản và tổ dân cư trên địa bàn huyện. Trong đó, hơn 20 tỷ đồng dư nợ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Nguồn vốn trên đã góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Nhé.

Thanh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoat-ngheo-nho-von-vay-giai-quyet-viec-lam-o-muong-nhe-post659698.html