Thoát trách nhiệm nhờ 'chuyển biến tình hình'

Những quy định mới với tiêu chí nhân đạo, cập nhật diễn biến thực tế giúp không ít người trước đó có hành vi vi phạm pháp luật không phải chịu trách nhiệm hình sự

TAND Tối cao vừa trao quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hoàng Lâm (nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 3 - thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Trước đó, luật sư cũng như ông Lâm gửi đơn yêu cầu đình chỉ vụ án do chuyển biến tình hình. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng đã làm việc với Bộ Y tế cùng nhiều ban, ngành liên quan. Từ đó, VKSND Tối cao có đủ căn cứ không xử lý hình sự ông Hoàng Lâm khi áp dụng những quy định mới.

Những người nhặt được "bí kíp"

Quyết định do VKSND Tối cao ban hành thể hiện việc cơ quan công tố miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), hủy bỏ biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với ông Hoàng Lâm. Trước đó, VKSND Tối cao truy tố ông Lâm tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong một vụ án buôn lậu. Năm 2014, lợi dụng chức vụ giám đốc, ông Lâm ký, cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu sai nguyên tắc. Không chỉ vậy, ông Lâm không ra kết luận, thông báo một lô hàng là thực phẩm dinh dưỡng Ensure không đủ điều kiện nhập khẩu. Từ đó, doanh nghiệp (DN) có cơ hội nhập khẩu trái phép hàng hóa trị giá hơn 3 tỉ đồng.

Ông Phạm Công Trung đến dự phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Ông Phạm Công Trung đến dự phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Tương tự, cách đây không lâu, VKSND Tối cao không đề nghị truy tố ông Phạm Công Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) dù ông này là đồng phạm giúp sức Phạm Công Danh trong đại án VNCB. Cơ quan công tố xác định ông Trung lập hợp đồng kinh tế khống, giúp ông Danh vay ngân hàng 330 tỉ đồng. Làm theo chỉ đạo từ Phạm Công Danh, ông Trung đưa một số người đi làm thủ tục thành lập công ty, lấy thông tin các dự án.

Trên đây là những trường hợp tiêu biểu nhận "kim bài" miễn TNHS do cơ quan pháp luật xem xét áp dụng quy định pháp luật với tiêu chí nhân đạo, bắt kịp thực tiễn tình hình.

Hưởng lợi nhờ chính sách, tình hình thay đổi

Ở vụ án liên quan đến ông Hoàng Lâm, ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện VKSND Tối cao, nhấn mạnh: "Trong quá trình giải quyết vụ án, luật sư cũng như bản thân bị can có đơn yêu cầu đình chỉ, miễn truy cứu TNHS do chuyển biến tình hình. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng đã làm việc với Bộ Y tế cùng nhiều ban, ngành có liên quan. Từ đó, VKSND Tối cao có đủ căn cứ không xử lý hình sự ông Lâm khi áp dụng điểm a khoản 1 điều 29". Cụ thể, dù sai phạm xảy ra nhưng đến thời điểm truy tố, chính sách pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (Nghị định số 15 ngày 2-2-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm) có sự thay đổi. Do đó, việc làm ông Lâm gây ra không còn nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, ông Lâm không vụ lợi vật chất, không gây ra hậu quả lớn, có nhân thân tốt.

Tương tự, ông Phạm Công Trung may mắn khi thời điểm xét xử vụ án, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) bãi bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại điều 165 BLHS 1999 (cơ quan điều tra kết luận ông Trung có dấu hiệu phạm vào tội danh này). Mặt khác, ông Trung đang điều hành Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh ủy quyền). Ngoài ra, ông Trung tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giải quyết những vấn đề dân sự trong các vụ án hình sự liên quan đến Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Do áp dụng quy định pháp luật theo hướng bảo đảm tính nhân văn, có lợi cho bị can, bị cáo nên cơ quan tố tụng không xem xét, xử lý hình sự trường hợp ông Phạm Công Trung (điều 7 BLHS 2015).

Những căn cứ cần thiết

Điều 29, BLHS 2015, nêu rõ người phạm tội được miễn TNHS trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử khi có một trong những căn cứ: do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội; khi có quyết định đại xá. Việc miễn TNHS cũng được áp dụng trong tình huống do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội. Hay người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; tự thú, hợp tác, hạn chế hậu quả, lập công...

Bài và ảnh: DI LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/thoat-trach-nhiem-nho-chuyen-bien-tinh-hinh-20190805213523128.htm