Thời của rap, khi trẻ em cũng 'được' ké

Nhà sản xuất của 'King Of Rap' vừa 'nhá hàng' phiên bản nhí của chương trình này mang tên 'King Of Rap Kids' có thể ra mắt trong tương lai.

Gameshow “King Of Rap”

Gameshow “King Of Rap”

Hiện tại, hai trong những chương trình truyền hình giải trí đình đám nhất chính là “Rap Việt” và “King Of Rap”. Rap đang lên ngôi, ai cũng thấy.

Nhận thấy sự phủ sóng mạnh mẽ ấy của rap, nhà sản xuất của “King Of Rap” vừa “nhá hàng” phiên bản nhí của chương trình này mang tên “King Of Rap Kids” có thể ra mắt trong tương lai. Hiện tại, dù chương trình này chưa chính thức được công bố sẽ thực hiện nhưng đã nhanh chóng gây chú ý.

Phiên bản nhí có lẽ đã quen thuộc với những khán giả hay theo dõi các gameshow, chương trình giải trí. Từng có hàng loạt chương trình được ra mắt ăn theo phiên bản người lớn như “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”... Thế nhưng, rap lại là một thể loại khác mà có lẽ, đối tượng trẻ em có phù hợp hay không cần phải cân nhắc.

Đối với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc khác, thí sinh có thể tự sáng tác ca khúc hoặc chỉ cần thể hiện chất giọng, khả năng biểu diễn của mình thì rap lại đòi hỏi rapper là người tự viết lời.

Lời các bài rap có thể đa dạng đề tài, từ tình yêu, tình bạn, trường lớp… và hầu hết đều lấy cảm hứng từ cuộc sống, những trải nghiệm và cảm xúc của người viết. Đối với trẻ em, liệu chúng có bao nhiêu trải nghiệm để cho ra đời được những bài rap ý nghĩa, ngôn từ không sáo rỗng, có vần, flow chắc chắn?

Không chỉ vậy, vì rap tự do và xuất thân từ đường phố nên còn có thể loại rap dizz (chỉ trích), chửi thề, nói bậy… Khó ai đảm bảo được khi trẻ được tiếp xúc với rap, chúng sẽ không tiếp cận với những thể loại này?

Thế nhưng, một điều có thể thấy rõ từ những gameshow nhí là trẻ em ngày nay rất nhiều tài năng. Trên thực tế, nhiều rapper ngày nay đều tiếp xúc với rap từ khi còn rất nhỏ. Rapper Đatmaniac đến với rap khi 14 tuổi. Thí sinh Kenji (Phan Thanh Hiển) của “King Of Rap” năm nay mới 15 tuổi và bắt đầu chơi rap, hiphop từ năm 10 tuổi. Điều ấy chứng tỏ, trẻ em có khả năng chạm tới được rap.

Ngoài ra, theo lời rapper Neko Lê, rap có tính “đời” nên có chửi thề, nhưng không có nghĩa là không có chửi thề thì rap sẽ mất hay. “Rap có nói tục sẽ hay theo kiểu nói tục, còn rap clean (sạch) sẽ hay theo kiểu sạch”, anh nói.

Điều đó có nghĩa, trong rap không nhất thiết phải có chửi thề, lời lẽ tục tĩu và hoàn toàn có thể định hướng thí sinh viết rap “sạch”. Nhưng tất nhiên, để trẻ tránh bị ảnh hưởng bởi những thể loại rap “hợp với người 16 tuổi trở lên”, sẽ luôn cần sự theo dõi sát sao của người lớn để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thoi-cua-rap-khi-tre-em-cung-duoc-ke-d483041.html