Thời điểm phá hủy hệ sinh thái sông Mekong sẽ tới nhanh hơn
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mực nước sông Mekong đã xuống thấp nhất trong vòng 100 năm qua và mùa mưa có thể sẽ không đủ để cứu vãn tình thế khi các đập thủy điện trên sông Mekong hoàn tất và đi vào vận hành.
Hiện tại, việc cung ứng thực phẩm cho hàng triệu người dân sống ở lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa, ví dụ các ngư dân chờ đợi sẽ thu được những mẻ cá lớn như mọi năm nhưng lại chỉ đánh bắt được những mẻ nhỏ. Ở hạ lưu, các nhà khoa học thậm chí còn không thấy cá nhỏ hay ấu trùng cá. Nông dân hoặc không có đủ nước tưới cho lúa và các loại hoa màu, hoặc phải chứng kiến tình trạng xâm nhập mặn từ các cửa sông vào ĐBSCL.
Hạn hán mới chỉ là một phần của vấn đề. Mùa mưa thông thường bắt đầu từ tháng 5 hằng năm nhưng đã qua hai tháng mà mực nước chỉ đạt 40% so với mọi năm. Các đập trữ nước cho các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Mekong ở phần lãnh thổ Trung Quốc và Lào làm tình trạng xấu thêm, các nhà khoa học nhận xét.
Nikkei Asian Review cho biết, Trung Quốc đang vận hành 11 đập dọc theo sông Mekong và từ ngày 5 đến 19.7.2019, đã cắt giảm một nửa lượng nước thông thường từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam. Các cán bộ phụ trách giải thích, việc làm này để bảo trì mạng lưới phát điện.
Còn tại Lào, đập Xayaburi cũng bị cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước thấp. Từ ngày 15 đến 29.7.2019, công ty vận hành đập đã thử tích nước. Theo Bangkok Post, mực nước sông sau đó đã xuống thấp đáng kể. Anuparp Wonglakorn, phó giám đốc công ty cho rằng, các cuộc thử nghiệm này không ảnh hưởng đến dòng chảy và đổ lỗi nguyên nhân là do thiếu mưa.
Zeb Hogan, nhà sinh học chuyên nghiên cứu về cá ở trường Đại học Nevada, Reno (Mỹ), nhận định, “Tốc độ thay đổi ngày một gia tăng của Mekong, xuất phát từ những tác động đã được tích lũy trong thời gian dài của những tác nhân xuyên biên giới và các tác động sẽ đến của biến đổi khí hậu, cho chúng ta thấy mối lo ngại về dòng sông huyết mạch bậc nhất Đông Nam Á này: nó sẽ mất dần vai trò của mình cho tới khi không còn khả năng hỗ trợ sự đa dạng sinh học của tự nhiên cũng như đem lại nguồn sống cho hàng triệu người”.
Hogan hiện đang phụ trách Wonders of the Mekong do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, một dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học, khí hậu và thủy lợi ở lưu vực sông Mekong. Anh giải thích, sông Mekong thường có hiện tượng nước nổi khi mùa mưa tới. “Thiếu nước nổi, cá có thể trì hoãn hoặc đẻ trứng sớm, dẫn đến khả năng đe dọa sự sống còn của các loài cá hiếm hoặc đang có khả năng tuyệt chủng hoặc suy giảm khả năng mùa vụ trong tương lai của những loài cá có giá trị thương mại cao”.
Mặt khác do dòng chảy xuống thấp, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã tới mức hơn 40km trong đất liền, theo thông tin từ Circle of Blue – một tổ chức bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà phân tích chính sách, nhà báo chuyên tập trung vào các vấn đề về nước, thực phẩm, năng lượng… có trụ sở ở Michigan, Mỹ. Họ đưa ra một số ước tính: có thể một nửa diện tích vựa lúa này đã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn còn phù sa, yếu tố có thể gia tăng độ màu mỡ, thì bị lắng lại trong các đập thượng nguồn.
Marc Goichot của Chương trình Greater Mekong WWF nói với Nikkei Asian Review: “Phù sa suy giảm sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc ĐBSCL bị lún và thu hẹp diện tích, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu các cơn bão nhiệt đới, lũ lụt của 18 triệu người ở đây cũng như tăng tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước sạch”.
Các chuyên gia cảnh báo, tất cả những điều này có thể dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái sông Mekong. “Sự hoàn tất và đi vào vận hành của các đập chính trên sông cũng như những ảnh hưởng sẽ tới của biến đổi khí hậu có thể khiến dòng sông không thể thích ứng được nữa với những thay đổi và thời điểm này có thể đến nhanh hơn”, Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington D.C nói với National Geographic.