'Thời hoa đỏ'

Chiến tranh đã lùi xa. Với những thế hệ hậu sinh, đó tựa như những câu chuyện cổ tích, còn với những người đã chứng kiến, đã từng sống, chiến đấu trong những ngày bom rơi, đạn nổ, thì đó là những trang sử oai hùng của cả một dân tộc vĩ đại.

Tôi có ông cậu họ bên chồng vốn là lính Trường Sơn. Dẫu đã qua tuổi “xưa nay hiếm” cả chục năm, nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Cậu tôi không thích ồn ào, rất thích ngồi ở chiếc chòi câu bên hồ nước của gia đình nhâm nhi tách trà nóng kể chuyện năm xưa. Tôi thích nghe chuyện oai hùng, nên mỗi lần về thăm quê, lại sang nhà nghe cậu kể chuyện thời đánh Mỹ.

Các chiến sỹ tại thành cổ Quảng Trị. Ảnh: tư liệu

Các chiến sỹ tại thành cổ Quảng Trị. Ảnh: tư liệu

Cũng giống như bao chàng trai, cô gái ngày ấy, năm 18 tuổi, cậu tôi viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Lá đơn viết bằng máu là cả tâm huyết, sự sục sôi ý chí góp sức mình bảo vệ non sông, là cả sự tự hào của quê hương, dòng họ. Sau hai tháng huấn luyện tại đơn vị, chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, sức khỏe, kỹ thuật tác chiến, ông đủ điều kiện tham gia chiến đấu. Nói về ngày đầu tiên được khoác ba lô lên đường Nam tiến, cậu tôi luôn kể bằng một giọng vui tươi, đầy tự hào.

Hơn 1 tháng thần tốc, đơn vị ông cũng tiến vào dải Trường Sơn “bão lửa” đóng quân tại chiến trường Quảng Trị, với nhiệm vụ làm cầu dã chiến cho các đoàn xe qua. Vốn đọc và xem nhiều thước phim tài liệu về vùng “đất lửa”, nên tôi cũng phần nào hình dung sự tàn khốc của những trận chiến qua từng lời ông kể.

Lúc nào cũng vậy, nhấp chén chè sánh vàng mật ong, để vị ngọt lan dần trong cổ họng, giọng ông trầm trầm như về chốn xa xôi. Mặc dù nằm trên dải Trường Sơn hùng vĩ, nhưng nơi đơn vị ông đóng quân lại trơ một màu đất đá, cây cối chết đứng, cháy khô. Bởi trên bầu trời kia, những chiếc máy bay như đàn chim sắt khổng lồ ngày đêm rải chất độc hóa học dioxin, mục đích của chúng là muốn cây lá trụi khô để dễ bề phát hiện con đường ra trận của quân ta. Để tránh sự do thám của địch, tiểu đội của ông phải cắt cử nhau làm xuyên đêm. Mỗi đoạn đường bị xới tung, mỗi cây cầu bị đánh sập đều được thay thế bằng những cây cầu dã chiến để các đoàn xe bon bon chạy. Chiến tranh thật tàn khốc, không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn cả sự hy sinh của biết bao người. Có những đơn vị, mới hôm qua thôi còn đầy đủ mọi thành viên, vậy mà sau một đêm máy bay địch oanh tạc đã người còn, người mất. Lại có những đơn vị, sau giờ làm việc căng thẳng, vừa ngả lưng nghỉ ngơi đã nghe tiếng máy bay B57 gầm rú, tiếp đó là những trận bom xối xả. “Sau trận đánh kinh hoàng, nhiều đồng chí đã hy sinh. Có đồng chí đêm qua vẫn còn ngồi kể chung câu chuyện, hát chung một khúc quân hành… vậy mà…”, giọng cậu tôi chua xót, đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước.

Chiến tranh là thế, ác liệt trong từng phút giây, nhưng chính trong nguy nan ấy, những người lính lại càng thêm tôi rèn ý chí chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Với họ, dẫu hiện tại là bom rơi, đạn nổ, là hiểm nguy trong từng gang tấc, cũng không ngăn được bước chân ra trận, bởi họ biết mỗi bước chân gian khó ngày hôm nay sẽ là hạnh phúc ngày mai.

Xin cảm ơn cả một thời hoa đỏ, cảm ơn những con người anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, những người đã sống, chiến đấu bằng cả trái tim thiết tha cho hạnh phúc được nở hoa, non sông được vẹn tròn, độc lập!

Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/thoi-hoa-do-z5n20200727075456502.htm