Thôi những lời ru buồn

ĐBP - Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn là vấn đề nhức nhối tại các thôn, bản, vùng dân tộc thiểu số tại Điện Biên. Để hạn chế và tiến tới giải quyết triệt để tình trạng này, sự vào cuộc của các ngành, các cấp là rất cần thiết; trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và ngăn chặn kịp thời từ cơ sở là yếu tố then chốt.

Làm mẹ khi chưa đủ tuổi, nhiều phụ nữ ở vùng cao thiếu kiến thức để chăm sóc con. Trong ảnh: Một người mẹ còn rất trẻ tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ).

Bỏ học lập gia đình

Mới cưới nhau được hơn 2 tháng, nhưng vợ chồng em L.A.Q. và G.T.T., bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) đã dắt díu nhau đi làm ăn tại địa bàn khác. Lý do được nói đến là vì điều kiện gia đình khó khăn, 2 em lại không học hành đầy đủ, khi T. vừa học xong lớp 9 đã nghỉ học rồi lấy chồng, còn Q. cũng mới 19 tuổi, chưa có việc làm ổn định.

Hay như trường hợp của T.T.S. (SN 2004) và G.A.T. (SN 2002), ở xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) cưới nhau năm 2017 nhưng không đăng ký kết hôn do cả 2 chưa đủ tuổi. Hơn 4 năm chung sống, trong căn nhà tuềnh toàng không có tài sản giá trị, 3 đứa con nhỏ lần lượt ra đời. Do mải tập trung lo kinh tế và chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên các con của S. và T. thường xuyên đau ốm, mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Hướng ánh mắt đượm buồn nhìn những đứa con còi cọc, S. chia sẻ: Đến mùa gặt em địu cả con đội nắng lên nương. Biết là khổ cho con, nhưng cuộc sống ở đây như thế quen rồi. Em cũng muốn đi học, mà giờ lấy chồng, sinh con rồi thì phải lo cho gia đình thôi…

Đây chỉ là hai trường hợp trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp tảo hôn ở Điện Biên mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; song chủ yếu là do ảnh hưởng bởi những quan niệm, tập quán lạc hậu đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn khó khăn; trình độ dân trí thấp, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, không khuyến khích con em đến trường mà muốn các em nghỉ học ở nhà giúp việc gia đình; chưa thấy, chưa hiểu được những hệ lụy xấu do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra. Việc nắm bắt thông tin, phát hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của chính quyền, cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chủ yếu chỉ phát hiện khi đã tổ chức cưới hoặc đã về chung sống với nhau như vợ chồng.

Bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Tảo hôn là rào cản đối với tương lai của các cặp vợ chồng trẻ khi học hành còn dở dang, không có nghề nghiệp và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi phải làm chồng, làm vợ trong lúc cơ thể còn chưa phát triển hoàn thiện, trẻ sinh ra bởi các bà mẹ tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi từ 15 - 19 tuổi cao gấp 2 lần các bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi… Ngoài ra, những cặp vợ chồng tảo hôn thường chưa có kinh nghiệm, kiến thức về cuộc sống, nên khó đảm bảo về hạnh phúc gia đình cũng như chăm sóc con. Điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng dân số mà còn gây nên những khó khăn, thách thức đối với công tác dân số cũng như quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Người dân bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) trao đổi về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Truyền thông đẩy lùi tảo hôn

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 909 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều tại huyện Nậm Pồ (202 trường hợp), Tuần Giáo (180 trường hợp), Tủa Chùa (140 trường hợp)… Các trường hợp tảo hôn đa phần ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều hủ tục. Cá biệt, ở một số xã vùng ngoài của TP. Điện Biên Phủ cũng xuất hiện tình trạng này. Nằm cách trung tâm xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) khoảng 5km, bản Hua Rốm hiện có 126 hộ gia đình và 684 nhân khẩu, với 100% là người Mông. Là bản có tỷ lệ tảo hôn cao so với các bản khác của xã Nà Tấu và tăng giảm không ổn định qua các năm (năm 2017 có 6 trường hợp, năm 2018 có 3 trường hợp, năm 2019 có 17 trường hợp và 3 tháng đầu năm 2020 có 3 trường hợp); vì thế khi đến Hua Rốm, không khó để gặp các em gái chỉ khoảng 16 - 17 tuổi nhưng đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Trước thực trạng đó, bản Hua Rốm được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chọn làm mô hình triển khai “Bản không có tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết thống” từ tháng 5 - 12/2020.

Với phương thức tiếp cận tuyên truyền đa dạng qua loa phát thanh, nhắn tin điện thoại, sinh hoạt câu lạc bộ, đúng đối tượng; mô hình điểm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại bản Hua Rốm đã đem lại kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình, Trưởng bản Hua Rốm - Vàng A Thư cho biết: Qua các hoạt động tuyên truyền của mô hình đã giúp nâng cao nhận thức người dân trong việc áp dụng và thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Người dân cũng nhận biết được những rủi ro cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi. Vì vậy, trong 6 tháng triển khai mô hình, bản Hua Rốm không có tình trạng tảo hôn xảy ra.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hôn nhân và gia đình nhằm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là việc quan tâm hơn đến công tác giáo dục con cái trong giai đoạn bắt đầu trưởng thành để kịp thời uốn nắn các em. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tổ chức hội đoàn thể, chính quyền các địa phương cũng đã đưa nội dung tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trực tiếp… Việc tuyên truyền phổ biến về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cần phải có một quá trình dài hơi, cùng sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để dần thay đổi suy nghĩ, ý thức tự nguyện thực hiện kết hôn đúng độ tuổi, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/189340/thoi-nhung-loi-ru-buon