Thói quen vô hại hay cơn nghiện âm thầm?

Việc xem video ngắn trên các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels…ngày càng trở nên phổ biến đến mức khiến nhiều người vô tình rơi vào tình trạng 'nghiện' - một thói quen mà ban đầu tưởng như vô hại, nhưng lại gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài không thể ngờ tới.

 Giới trẻ cứ cầm điện thoại là lại tìm đến các video ngắn. Ảnh: Bảo Phước

Giới trẻ cứ cầm điện thoại là lại tìm đến các video ngắn. Ảnh: Bảo Phước

Kể từ sau đợt đại dịch COVID-19, thế giới chứng kiến một sự thay đổi lớn về nhiều mặt trong cuộc sống. Một trong những thay đổi rõ ràng nhất chính là cách chúng ta tiếp cận với công nghệ và các nền tảng giải trí trực tuyến. Trong thời gian phong tỏa, người dân trên khắp thế giới bị giới hạn trong không gian nhỏ hẹp của căn nhà, nơi họ phải tìm kiếm các hoạt động giải trí để giảm bớt sự căng thẳng và cô đơn. Và thế là những nền tảng chia sẻ video, đặc biệt là video ngắn, nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giải trí của hàng triệu người.

Các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels… đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian này, không chỉ thu hút sự chú ý của thế hệ trẻ mà còn cả người trưởng thành. Với nội dung đa dạng, từ hài hước, giáo dục cho đến thông tin xã hội, chính trị… video ngắn đã trở thành một xu hướng mới và được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, việc xem video ngắn ngày càng trở nên phổ biến đến mức khiến nhiều người vô tình rơi vào tình trạng “nghiện” - một thói quen mà ban đầu tưởng như vô hại, nhưng lại gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài không thể ngờ tới.

Một trong những lý do lớn nhất khiến video ngắn trở nên cuốn hút đến vậy có lẽ là vì thời lượng nhanh gọn, chỉ từ 15 giây đến 1 phút, nhưng lại chứa đựng đủ thông điệp cần truyền tải, mà não bộ chúng ta lại rất dễ bị thu hút bởi sự thay đổi liên tục và những kích thích mới lạ. Chính điều này tạo ra cảm giác hài lòng tức thì, thúc đẩy người xem tiếp tục lướt qua hàng loạt các video khác mà không hề nhận ra thời gian đang không ngừng trôi đi.

Bên cạnh đó, thuật toán của các nền tảng như TikTok hay YouTube Shorts được thiết kế để hiểu rõ sở thích của người dùng. Chỉ sau vài lần xem, hệ thống sẽ đề xuất những video có nội dung tương tự, tạo nên một vòng lặp không dứt khiến người xem dễ dàng bị cuốn vào. Đây là một loại “bẫy thời gian” tinh vi, khiến người dùng không thể rời mắt khỏi màn hình.

Việc nghiện xem video ngắn không chỉ làm tốn thời gian, mà còn có những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Đầu tiên phải nói đến, thói quen này dẫn đến sự căng thẳng cho đôi mắt. Việc tiếp xúc liên tục với màn hình điện thoại hay máy tính trong thời gian dài có thể gây ra hội chứng “mỏi mắt kỹ thuật số” với các triệu chứng như khô mắt, nhức mắt, mờ mắt… dẫn đến đau đầu.

Bên cạnh đó, thói quen lướt video liên tục trong nhiều giờ liền cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhiều người có thói quen xem video ngắn trước khi đi ngủ, và điều này không chỉ khiến họ thức khuya hơn mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại làm giảm tiết melatonin, một loại hormone quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ, khiến người dùng khó ngủ sâu và dễ tỉnh giấc giữa đêm. Ngoài ra, việc ngồi liên tục hàng giờ liền để lướt video ngắn cũng gây ra các vấn đề về cơ xương khớp. Ngồi sai tư thế, ít vận động dễ dẫn đến các bệnh về cột sống, đau lưng, và thậm chí là béo phì do ít tiêu hao năng lượng.

Một hậu quả khác của việc nghiện xem video ngắn mà nhiều người không ngờ tới chính là sự suy giảm khả năng tập trung. Khi thường xuyên xem những video có thời lượng ngắn, não bộ của chúng ta dần trở nên quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh chóng và thay đổi liên tục. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu kiên nhẫn khi đối diện với những công việc đòi hỏi sự tập trung và tư duy lâu dài. Đặc biệt, đối với những người trẻ tuổi, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và làm việc lâu dài.

Không chỉ vậy, việc tiêu thụ quá nhiều nội dung giải trí và ít tính chất tư duy cũng khiến khả năng phân tích và sáng tạo của chúng ta bị suy giảm. Khi bị "ngập" trong vô số những thông tin nhỏ lẻ, ngắn gọn và đôi khi không mang tính hệ thống, ta dễ mất đi khả năng tập trung vào những vấn đề phức tạp và sâu sắc hơn. Điều này dẫn đến tình trạng “nông cạn” trong tư duy và khả năng xử lý vấn đề.

“Nghiện” video ngắn không chỉ tác động đến thể chất và tư duy mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của người xem. Việc tiếp xúc quá nhiều với nội dung giải trí và đời sống của người khác sẽ dễ khiến người xem rơi vào tình trạng so sánh bản thân với người khác. Những video thể hiện cuộc sống xa hoa, thành công hay những khoảnh khắc vui vẻ thường khiến bản thân người xem cảm thấy tự ti, áp lực và thậm chí là trầm cảm khi so sánh với cuộc sống thực tại của chính mình. Việc liên tục tiếp nhận các thông tin giải trí, hài hước và dễ dãi cũng khiến nhiều người mất đi khả năng đồng cảm với những vấn đề xã hội phức tạp. Họ có xu hướng "lướt" qua những nội dung nghiêm túc, quan trọng và thay vào đó là tìm kiếm những nội dung dễ tiếp thu và mang tính giải trí cao hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thờ ơ, vô cảm với những vấn đề quan trọng trong xã hội.

Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của các nền tảng video ngắn như TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels… đã mang đến nhiều tiện ích và niềm vui cho hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, như bất kỳ xu hướng công nghệ nào, việc lạm dụng và nghiện xem video ngắn cũng mang lại những hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tư duy, cảm xúc và các mối quan hệ xã hội của chúng ta. Mỗi chúng ta cần học cách kiểm soát thời gian, tận dụng công nghệ một cách thông minh và có ý thức. Đừng để những khoảnh khắc ngắn ngủi trong thế giới ảo đánh đổi bằng giá trị dài lâu của cuộc sống thực. Giữ gìn sự cân bằng giữa giải trí và trách nhiệm, giữa ảo và thực, chính là chìa khóa để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Hoàng Đạt

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/thoi-quen-vo-hai-hay-con-nghien-am-tham-146591.html