Thời sinh viên

Năm đó tôi học lớp 11 nhưng qua chương trình SV98, tôi hình dung thế giới sinh viên sao lắm điều hay ho, thú vị. Tôi quyết phải làm sinh viên. Nhưng giấc mơ đã không thành hiện thực khi Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn có giấy báo nhập học thì mẹ nói không được, nhà mình nghèo, học xa tốn kém, mẹ sẽ ráng cho học cao đẳng sư phạm, trường tỉnh, dễ gói ghém. Trời ơi, phải vô đại học mới được làm sinh viên chớ. Tôi khóc òa.

Ngày nhập học, bỏ hết đồ vào cái túi xách cột sau ba ga, lọc cọc đạp chiếc xe không thể tàng hơn xuống nội trú nhận phòng. Mới bước vô cửa, mấy anh chị cười hí hí: Trời ơi, sinh viên mà y bà… nông dân. Tôi cũng cười sượng ngắc. Nhưng vui, vui thiệt á, tại được kêu sinh viên. Thấy mình bảnh đến lạ.

Vì bộ dạng nông dân nên mấy đứa cùng phòng gọi tôi “sinh viên gốc rạ”. Cũng tại đen nhẻm nhèm nhem, làm sinh viên vẫn quần xanh áo trắng (tận dụng đồ hồi học cấp 3). Trong giỏ đồ không có chiếc quần jean, áo thun nào. Tôi không bôi kem trước khi ngủ, không son môi đi học, thảm đến nỗi chai dầu gội, cục xà phòng tắm phải là hàng rẻ nhất. Chưa hết đâu, thời đó sinh viên ăn đĩa cơm bình quân 2.000 đồng nhưng tôi luôn ăn đĩa 1.500 đồng (chỉ cơm và ít xào). Thảm hơn, mỗi tuần có tới mấy bữa chỉ mua bịch cơm trắng 1.000 đồng rồi xin chút nước mắm về phòng ăn. Đi học mỗi tuần mẹ khoán từ hai mươi đến ba mươi ngàn và dặn, liệu mà ăn. Vì thế nên nếu phải đóng góp khoản nào cho lớp thì tuần đó tôi sẽ không có một thớ thịt vào bụng. Đó là chưa nói, sáng thứ hai nào đạp xe xuống trường tôi cũng móc trước cổ xe gô cơm và cột sau lưng ràng bánh tráng, trước khi vô phòng sẽ ghé quán mua chục gói mì tôm loại rẻ nhất nữa.

Hồi đó, nỗi ám ảnh của tôi là sáng thứ hai sinh viên phải dự chào cờ, sinh viên sư phạm đương nhiên phải áo dài mực thước. Khổ thân, thời tôi học phổ thông chưa có quy định mặc áo dài, giờ lấy đâu đồng phục cũ mà tận dụng, vậy là mẹ xin áo dài cũ của bà cô giáo trong xóm. Thùng thình, mặc vào lọt thỏm, chẳng thấy eo phọt chỗ nào. Ngượng quá nên mặc áo dài phải thêm áo khoác, kéo lên tận cổ, chỉ để lấp ló cái tà cho biết mình cũng mặc áo dài. Trời nóng cũng áo dài thêm áo khoác, đứa nào chọc thì kêu sức khỏe có vấn đề.

Còn nhớ, thằng Thao lớp Sử mỗi lần đi ngang cứ đưa mắt nhìn vào chỗ tôi ngồi. Tôi biết gã có tình ý với mình. Chỉ là dấu hiệu nhỏ thôi, kiểu tôi đi mua cơm gã hay chặn đường rồi đi cùng. Có lần gã gỡ chiếc mũ lưỡi trai đội bính anh Năm ở nhà vứt chạch xuống đất rồi lấy mũ gã ụp lên đầu tôi. Gã hay mời đi cà phê, gợi ý quà cáp. Nhưng tôi không. Tôi bảo bận học. Cũng chẳng biết sao nữa, rõ ràng tôi không ghét gã nhưng cũng không thể hẹn hò. Sau này, tôi giải thích cho thời sinh viên không yêu đương là chưa gặp được một nửa thực sự của mình nhưng con bạn thân nói không phải, do sinh viên nghèo hông có tiền để hẹn hò đâu, lệ phí tình yêu mắc cảy.

Bạn bè nhiều đứa bảo làm sinh viên mà không yêu là lãng phí thanh xuân nhưng tôi không hối tiếc mà ngược lại còn hãnh diện vì những ngày tháng làm sinh viên không có khái niệm đua đòi, không bén chuyện yêu đương mà chỉ lo học. Tôi mãn nguyện với thanh xuân đẹp đẽ đó.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/245254/thoi-sinh-vien.html