Thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Trong 2 ngày liên tiếp 2 bệnh nhân nguy kịch vì nhồi máu cơ tim đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM cứu sống.

Chiều 25/1/2021, BS Hồ Dũng Tiến - Trưởng khoa Tim mạch 1, Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho biết, trong tuần qua liên tiếp hai ngày (23 và 24/1), ê kíp các bác sĩ tại bệnh viện đã phối hợp cấp cứu cho 2 trường hợp bị nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Trường hợp đầu tiên là ông N.T.H. (65 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM).

Theo bệnh sử, khoảng 6 giờ sáng 16/1, ông H. đang đi mua cà phê thì đột ngột lên cơn đau thắt ngực trái, ngất xỉu.

Động mạch vành bị tắt nghẽn trước khi được tái thông

Động mạch vành bị tắt nghẽn trước khi được tái thông

Bệnh nhân được người đi đường đỡ dậy thì tỉnh, nhận biết được xung quanh nhưng vẫn đau ngực trái dữ dội như bị bóp nghẹt lan từ ngực trái sang giữa xương ức.

Các cơn đau kéo dài và tăng dần, nghỉ ngơi không giảm kèm theo khó thở, vã mồ hôi nên được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nguyễn Trãi.

Tại đây, bệnh nhân khai có tiền căn tăng huyết áp hút thuốc lá nhiều.

Trường hợp thứ 2 là ông T.Th. H. (64 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM), 3 giờ đồng hồ trước khi nhập viện, ông đang ngủ thì đột ngột lên cơn đau thắt ngực trái kèm khó thở dữ dội, phải ngồi dậy để thở.

Cơn đau kiểu đè ép trước xương ức lan lên 2 vai và cánh tay trái kéo dài và tăng dần, ngồi nghỉ không giảm.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn Lipid máu và hút thuốc lá nhiều.

Động mạch vành bị tắt nghẽn sau khi được tái thông

Động mạch vành bị tắt nghẽn sau khi được tái thông

BS Hồ Dũng Tiến chia sẻ: Thời điểm nhập viện, cả hai bệnh nhân đều đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, huyết áp và nhịp tim rất thấp, tính mạng bị đe dọa.

Các bác sĩ trực cấp cứu thăm khám và chẩn đoán cả 2 trường hợp mắc bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, nghĩ nhiều đến tắc nghẽn động mạch vành.

Trước tình huống cấp bách, ngay lập tức các bệnh nhân được đưa vô phòng thông tim can thiệp (CATH LAB) đặt stent tái thông động mạch vành tắc nghẽn.

Sau can thiệp, các bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị và hẹn tái khám định kỳ.

Bác sĩ Hồ Dũng Tiến thăm các bệnh nhân trước giờ xuất viện

Bác sĩ Hồ Dũng Tiến thăm các bệnh nhân trước giờ xuất viện

BS Hồ Dũng Tiến khuyến cáo: Ngoài việc các bệnh nhân đã cao tuổi, tiền sử bệnh nền, hút thuốc lá nhiều, thời tiết lạnh cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên nhồi máu cơ tim.

Cụ thể vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch, đột quỵ.

Nhiệt độ giảm xuống cũng khiến các mạch máu co lại dễ dẫn đến tai biến.

Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, nhu cầu o xy cho cơ tim tăng cao vào mùa lạnh, tăng số lượng hồng cầu, tiểu cầu và độ nhớt của máu cũng gây nguy cơ xuất hiện các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp và bệnh tai biến mạch máu não.

Những năm gần đây ngoài người cao tuổi, số lượng người trẻ bị nhồi máu cơ tim cũng có xu hướng tăng lên.

Do đó, khuyến cáo đối với người dân, nhất là người cao tuổi vào dịp Tết khi thời tiết chuyển lạnh cần giữ ấm đầy đủ cho cơ thể.

Hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ quá thấp. Với những người có sẵn bệnh lý tim mạch cần tuân thủ vào phác đồ đang điều trị.

Khi có các dấu hiệu như chóng mặt đột ngột, khó thở, đau nhói khó chịu vùng xương ức, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim bất thường cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên Khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tp-hcm-thoi-tiet-chuyen-lanh-nhieu-benh-nhan-nhoi-mau-co-tim-cap-n185754.html