Thói tự phụ rất đáng phê phán

Sự khiêm nhường là nét đẹp vốn có của những người biết tự trọng và tôn trọng người khác. Những người có phẩm chất này thường nói ít làm nhiều hoặc làm nhưng không nói, không khoe khoang, kể lể về việc mình làm, khác hẳn những người tự phụ.

Trong thực tiễn, có người thành tích chẳng có là bao, công trạng ít nhưng vẫn vỗ ngực xưng ta đây không ai bằng, chỉ vì sa cơ thất thế nên chịu thiệt thòi. Những người này thường coi lớp cán bộ trẻ hơn chẳng là gì so với cống hiến của họ trước đây. Nào là họ đã từng vào sống ra chết, chiến đấu trên bom dưới đạn, hết mặt trận này tới chiến trường khác nên cơ quan, đơn vị triển khai làm công việc gì mà "không xin" ý kiến họ thì coi như hỏng (?). Thậm chí, họ "chụp mũ" đội ngũ cán bộ trẻ, cho rằng khinh thường họ. Có người ví những người này đã không chịu gương mẫu làm việc nhưng thái độ cứ như "thái thượng hoàng" thời @, rất cần phê phán.

Cũng có người lấy sự khác biệt về tuổi tác, điều kiện công tác… mà suy diễn rằng nếu bây giờ họ còn làm công việc cũ thì chắc chắn đã có vị trí xã hội thế này thế kia, chức này chức nọ, thậm chí đã là cán bộ cấp cao, học hàm, học vị không thiếu thứ gì, chẳng thua ai. So sánh khập khiễng như vậy, vô hình trung, họ xem lớp cán bộ trẻ bây giờ chẳng làm nên nỗi gì. Đấy là "bệnh tự phụ" biến tướng.

Đội ngũ cán bộ công chức quận 1 - TP HCM luôn tận tình, hướng dẫn thủ tục hành chính, phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp. ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Đội ngũ cán bộ công chức quận 1 - TP HCM luôn tận tình, hướng dẫn thủ tục hành chính, phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp. ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Cũng không ít cán bộ từng có đóng góp nhất định, nay không tiếp tục cống hiến mà sa sút ý chí, muốn đòi hỏi công trạng nên sinh ra kiêu căng, ngạo mạn, xem thành tích của người khác không đáng gì so với công trạng của họ, thậm chí đòi hỏi đãi ngộ quá đáng.

Ở một góc độ khác, trong đội ngũ cán bộ hiện nay, nhiều người có kiến thức, sức trẻ nhưng lại coi thường những giá trị cống hiến của lớp cán bộ tiền nhiệm. Thậm chí, không ít người vẫn nghĩ rằng truyền thống là chuyện của… truyền thống, thời này phải hiện đại, phải năng động. Thế nhưng, nhiệm vụ khó khăn thì né tránh, đùn đẩy; gặp công việc gian khổ, hiểm nguy thì chùn bước, "dễ làm khó bỏ", hay tranh công đổ lỗi; thấy việc đúng không ủng hộ, bảo vệ; thấy việc sai không đấu tranh, phê phán, chỉ chọn sự an toàn. Rõ ràng, đây là biểu hiện rõ nét nhất của chủ nghĩa cá nhân, cũng là một nét đặc trưng của thói tự phụ.

Điều đáng mừng là qua những nỗ lực cải cách hành chính, đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, gần đây, số cán bộ, công chức, viên chức ở trong các cơ quan, đơn vị của bộ máy nhà nước đã đều tay hơn, mọi năng lực, khả năng đều bộc lộ. Một khi công việc rõ ràng thì sự cống hiến cũng rõ ràng, dễ nhìn ra vai trò của từng cá nhân trong tổng thể bộ máy để đánh giá công bằng, minh bạch.

Thói tự phụ vì thế cũng bớt đi nhiều.

Mai Lịch (Đảng viên, cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ly-tuong-song/thoi-tu-phu-rat-dang-phe-phan-20201213204451838.htm