Thơm ngon cơm rượu nếp Cao Bằng

Cao Bằng nổi tiếng với những loại gạo thơm ngon như: Nếp hương, Pì Pất, Nếp Ong,... Từ những hạt gạo thơm ngon ấy, người dân khéo léo làm ra những món ăn độc đáo, trong đó phải kể đến cơm rượu nếp, món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết và ngày rằm, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch.

Cơm rượu nếp trắng thơm ngon, hấp dẫn - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Cơm rượu nếp trắng thơm ngon, hấp dẫn - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Rượu nếp là món ăn lên men từ xôi nếp nên có chứa nồng độ, khi ăn sẽ khiến cơ thể tăng nhiệt độ, kích thích hệ tiêu hóa. Với khí hậu mát mẻ của núi rừng, thổ nhưỡng màu mỡ và nguồn nước trong mát, thiên nhiên ưu ái cho vùng đất Cao Bằng những loại gạo thơm ngon, giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác. Cũng vì thế mà cơm rượu nếp nơi đây có hương vị đậm đà, thơm dẻo và ngọt ngào một cách đầy tinh tế.

Để làm ra một hũ cơm rượu thơm ngon như ý, quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo được chọn làm loại gạo nếp thơm, dẻo hoặc nếp nương, nếp cẩm,... với các hạt to tròn đều, không bị vỡ để khi nấu, nếp sẽ không bị nhão và mềm, dẻo hơn. Có thể lựa chọn những loại gạo mà chưa loại hết bỏ lớp cám bên ngoài vì đây là thành phần đem lại rất nhiều vitamin B và khoáng chất. Nên lựa chọn các viên men còn sáng màu và có hương thơm nhẹ vì đây là những loại men còn mới, dễ lên men và đậm vị hơn.

Cách làm cơm rượu nếp khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vài công đoạn. Khi trộn men với gạo phải kiểm tra nhiệt độ cơm. Nên trộn khi cơm có độ ấm vừa phải, không quá nóng cũng không quá nguội vì nếu trộn khi cơm còn nóng, làm men bị chết, còn cơm nguội quá sẽ làm hỏng cơm. Khi rắc nên chia men thành 2 lần, lần đầu rắc đều mặt trước đảm bảo men phủ kín bề mặt cơm, sau đó lật mặt dưới cơm lên rắc phủ kín mặt cơm còn lại. Khi làm cũng nên cân bằng lượng men dùng khi ủ cơm rượu, theo tỉ lệ khoảng 1 kg nếp sẽ dùng 1 viên men 50 gam.

Sau khi rắc men xong, cho cơm vào chum, hũ đất hay lọ thủy tinh để ủ, nhưng chỉ cho đầy khoảng 2/3 hũ rồi đậy kín, nếu muốn có nhiều nước cơm rượu nếp, pha thêm từ 100 - 120 gam nước đường đổ vào. Ủ trong khoảng 2 - 3 ngày, cơm rượu nếp sẽ tự dậy nước và tỏa hương vị thơm ngon, rượu có vị ngọt, không bị chua hoặc cay và có mùi thơm quyến rũ.

Khi gạo nếp được lên men tạo ra một hương thơm đặc biệt, độc đáo. Cơm rượu nếp thường có hương thơm đặc trưng của rượu, nhưng không quá nồng, mà thay vào đó là một sự cân đối, mềm mại. Vị ngọt tự nhiên của gạo thêm chút vị chua nhẹ, cay dịu của men rượu, khi ăn, có thể cảm nhận được sự mềm dẻo của gạo, kèm theo một chút ấm áp từ rượu, tạo nên trải nghiệm thư giãn cho vị giác và tinh thần.

Nếp cẩm có màu đen bóng, thường được ăn kèm với sữa chua.

Nếp cẩm có màu đen bóng, thường được ăn kèm với sữa chua.

Bà Nông Thị Hiên, tổ 3, phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu với gia đình tôi trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ. Trong mâm lễ cúng tổ tiên cũng không thể thiếu món ăn này, đó là truyền thống từ lâu đời mà đến nay gia đình vẫn duy trì... Hơn nữa, rất thích hợp để làm món ăn “chống ngấy” trong dịp Tết.

Cơm rượu nếp có thể ăn riêng hoặc kết hợp với sữa chua, hấp với trứng tạo thành những món độc đáo. Với cách làm đơn giản, hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe, món cơm rượu nếp bình dị, dân dã từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu với người dân Cao Bằng, trở thành món đặc sản nổi tiếng, tạo dấu ấn trong lòng du khách khi thưởng thức ẩm thực miền non nước.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thom-ngon-com-ruou-nep-cao-bang-3169804.html