Thống nhất cách hiểu, cách làm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị 'Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm' tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để thống nhất cách hiểu, cách làm trong cả nước, giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo.

PV: Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra, nhưng việc giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì sao chưa chấm dứt được tình trạng này, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Anh

Ông Lê Tuấn Anh

Ông Lê Tuấn Anh: Nguồn vốn đầu tư công được xác định là một nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraina kéo dài, nên Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ mạnh mẽ về cơ chế quản lý, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những năm qua.

Kết quả thực hiện của các bộ, ngành và địa phương dù đã có những chuyển biến tích cực, song thật sự chưa đạt được như kỳ vọng. Riêng kế hoạch năm 2023, đến hết tháng 5, số vốn giải ngân đạt 22,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn phải giải ngân trong 7 tháng còn lại khoảng 78%, tương ứng với giá trị trên 565.000 tỷ đồng.

Các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân đã được các cấp tổng hợp chỉ rõ, xác định cụ thể các vấn đề và thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa vào cuộc với một quyết tâm cao nhất, nên tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.

Thực tế đã chứng minh, cùng một cơ chế quản lý, cùng những khó khăn tương tự, nhưng có một số bộ, địa phương đạt được tỷ lệ giải ngân khá cao như: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Phú Thọ (33,7%), Bộ GTVT (30,58%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (40,04%), ngược lại vẫn còn khá nhiều bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí còn dưới mức trung bình của cả nước.

PV: Với chức năng là cơ quan quản lý, thanh toán vốn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp gì để cùng cả nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng tiếp theo, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Anh: Từ thực tiễn trên, để góp phần chấm dứt tình trạng vốn chờ công trình, chờ khối lượng, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhanh chóng hoàn thiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với nhóm vướng mắc liên quan đến pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đất đai đã được nhận diện như: Chỉ được thực hiện giải phóng mặt bằng sau khi dự án được duyệt đối với nhóm B, C; tăng cường phân cấp thẩm quyền trong quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn; quy định thủ tục đầu tư đối với dự án qua địa bàn 2 tỉnh; xử lý chênh lệch giá đền bù và giá đất giao tái định cư do 2 thời điểm này cách xa nhau… cần được tiếp tục hoàn thiện phương án xử lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định làm cơ sở triển khai.

Tuy nhiên, các vướng mắc trên liên quan đến việc sửa đổi một số nội dung được quy định tại Luật Đầu tư công, nên cần thời gian nhất định. Do đó, trước mắt các cấp lãnh đạo, tập thể, cá nhân trên cơ sở khung pháp luật hiện hành thực hiện một cách quyết liệt, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm của mình trong quá trình thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án đầu tư; tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh.

Đồng thời, vai trò của người lãnh đạo cần được thể hiện và phát huy tối đa thông qua chỉ đạo, quyết định, giám sát, kiểm điểm cấp dưới để xử lý hay khen thưởng kịp thời. Cách làm hiệu quả của các đơn vị có kết quả cao cần được phổ biến, nhân rộng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, xử lý các phát sinh trong quá trình thực hiện dự án của đơn vị thực hiện. Đồng thời, các bộ, địa phương cần xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm sát thực tế, sát tiến độ thực hiện của các dự án. Các cơ quan tổng hợp kiểm tra, đánh giá và giám sát việc lập kế hoạch có hiệu quả hơn.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm sớm trên cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, quý của chủ đầu tư, nhà thầu một cách hiệu quả, quyết liệt. Việc kiểm điểm của các cấp cũng cần quyết liệt hơn; tính kỷ luật, răn đe cần được nâng cao hơn nữa, gắn liền với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ khen thưởng của từng cá nhân, tập thể.

PV: Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) phối hợp với Kho bạc Nhà nước tổ chức hội nghị “Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư còn chậm hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Anh: Bên cạnh các giải pháp thực hiện trong thời gian qua như tổng hợp vướng mắc, kiến nghị các cấp biện pháp tháo gỡ; chủ động rà soát thủ tục nội bộ, cải tiến quy trình, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực tế một số dự án…, Vụ Đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước tổ chức tọa đàm với mong muốn lắng nghe những trao đổi, chia sẻ về những khó khăn trong công tác thực hiện đầu tư công, nhất là công tác giải ngân mà các địa phương đang gặp phải.

Đồng thời, thông qua hội nghị, Bộ Tài chính sẽ thống nhất cách hiểu, cách làm của một số cơ chế, chính sách về đầu tư công mới được ban hành, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Đây là một hoạt động quan trọng, thể hiện mạnh mẽ tinh thần, trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư của các bộ, địa phương. Trên cơ sở kết quả của buổi tọa đàm, chúng tôi sẽ tổng hợp, phân tích ngay toàn bộ các ý kiến tham gia, xác định nội dung cũng như trách nhiệm cần giải quyết theo đúng thẩm quyền của Bộ Tài chính, hoặc gửi tới các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thong-nhat-cach-hieu-cach-lam-de-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-130282.html