Thống nhất để nhà đầu tư triển khai đề án giải tỏa công suất nguồn điện gió tỉnh Quảng Trị
Chiều nay 24/11, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng chủ trì cuộc họp đánh giá khả năng giải tỏa công suất nguồn điện gió tỉnh Quảng Trị với công suất tăng thêm 1.500 MW điện gió. Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự họp.
Theo báo cáo đánh giá của Viện Năng lượng – Bộ Công thương, tỉnh Quảng Trị có khả năng phát triển đa dạng các nguồn điện, tuy nhiên hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực này còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Do đó, Công ty TNHH Xuân Cầu hợp tác với Viện Năng lượng triển khai nghiên cứu, đưa ra đề án nhận định về hệ thống điện tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận, phân tích, đánh giá về khả năng hấp thụ, truyền tải nguồn điện của tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp để giải tỏa các nguồn điện này.
Đề án đã tiến hành tính toán chế độ xác lập, chế độ sự cố các năm 2021, 2025 và 2030, đưa ra 3 kịch bản tính toán khả năng giải tỏa công suất điện năng tỉnh Quảng Trị. Quan điểm tiếp cận của đề án là xin bổ sung 1.500 MW điện gió. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho việc thực hiện xây dựng mới và cải tạo lưới điện cần bổ sung trong giai đoạn đến năm 2030 để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh là 6.404 tỉ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang đồng tình cao với các phương án được đơn vị chủ đầu tư đưa ra, đồng thời lưu ý nhà đầu tư có thể phối hợp với các đơn vị khác nghiên cứu đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị để có thêm kế hoạch bổ sung vào đề án.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng thống nhất chủ trương để nhà đầu tư Công ty TNHH Xuân Cầu triển khai đề án giải tỏa công suất nguồn điện gió tỉnh Quảng Trị với công suất tăng thêm 1.500 MW điện gió. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây chính là cơ sở quan trọng để tỉnh báo cáo với Chính phủ và Bộ Công thương khả năng giải tỏa công suất nguồn điện gió của tỉnh là khả thi để có hướng điều chỉnh phù hợp, tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh trong tổng sơ đồ điện VIII. Đồng thời giao UBND tỉnh làm đầu mối, phối hợp với nhà đầu tư triển khai các phần việc, nội dung liên quan.