Thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Sáng 18/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham gia thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham gia thảo luận tại tổ.

* Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng thiên tai và công tác dự báo thiên tai để công tác chuẩn bị, ứng phó trên thực tế đạt hiệu quả cao.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về quản lý thiên tai như dự báo, quy hoạch vùng thiên tai và có đề án, dự án thiết thực để ứng phó thiên tai một cách chủ động. Bên cạnh đó, theo đại biểu, Luật Ngân sách nên quy định việc hàng năm phải bỏ một khoản ngân sách để đảm bảo chủ động ứng phó với thiên tai, còn quỹ phòng, chống thiên tai chỉ dùng xử lý sự cố. Và việc quản lý thu, chi sử dụng quỹ phải thật sự công khai, minh bạch. Đại biểu đề nghị rà soát, kiểm tra lại các khái niệm được quy định trong luật.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị, hàng năm bố trí, xây dựng kế hoạch ngân sách chủ động cho việc phòng, chống thiên tai để hạn chế việc lấy vốn dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để ứng phó. Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại khoản 3, Điều 6 của dự thảo Luật. Về việc cứu trợ thiên tai, đại biểu đề nghị các tổ chức cứu trợ phải thông qua chính quyền địa phương nhằm tránh việc cứu trợ không đồng đều, phân bổ không hợp lý gây lãng phí, kém hiệu quả.

Đại biểu Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị xem xét quy định tại điều 19 của dự thảo, theo đại biểu quy định như vậy là chưa hợp lý.

*Tham gia thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, dự thảo Luật cần đưa ra quy định để chấm dứt việc "phạt cho tồn tại”. Hiện tượng này đang phổ biến khiến rất nhiều cử tri băn khoăn, kiến nghị.

Đại biểu Trần Đăng Ninh đề nghị khi sửa Luật Xây dựng cần quy định tăng vai trò quyết định của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế xây dựng. Đại biểu cũng đề nghị xem xét, quy định chặt chẽ về việc thanh tra xây dựng, tránh thanh tra chồng chéo, gây phiền nhiễu.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đồng tình với tên gọi của dự thảo là Luật Xây dựng (sửa đổi). Theo đại biểu, dự thảo cần bổ sung quy định về quản lý năng lực xây dựng, yêu cầu về chứng chỉ đào tạo ngành nghề xây dựng. Dự thảo cũng cần xây dựng lộ trình quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ trong vùng chưa được quy hoạch, phê duyệt để đảm bảo an toàn cho chính người sử dụng.

*Buổi chiều, với 89,44% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (NQ). Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phòng điều hành nội dung làm việc. Sau đó, theo Chương trình, QH thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

P.V - Hoài Thu

(Đoàn ĐBQH tỉnh- TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/135091/thong-qua-nghi-quyet-phe-duyet-de-an-tong-the-phat-trien-kt-xh-vung-co-dieu-kien-dac-biet-kho-khan.htm