Thông qua Quy hoạch Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bạc Liêu thông qua Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Ngày 28/10, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bạc Liêu khóa X tổ chức kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), thông qua 9 Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 22 người đảm nhận các chức danh do HĐND tỉnh bầu.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bạc Liêu bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Bạc Liêu với diện tích tự nhiên là 2.667,88 km2. Tỉnh Bạc Liêu gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện là: Thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và 5 huyện (Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Đông Hải).

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với 22 người đảm nhận các chức danh do HĐND tỉnh Bạc Liêu bầu. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với 22 người đảm nhận các chức danh do HĐND tỉnh Bạc Liêu bầu. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch; có hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Cùng với đó là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển hài hòa, toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền vùng biển; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X biểu quyết thông qua các Nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Các đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X biểu quyết thông qua các Nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Phấn đấu đến năm 2050, Bạc Liêu là tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; mạnh về kinh tế biển, với 3 trụ cột chính là năng lượng, thủy sản và du lịch.

Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan được bảo vệ, bảo tồn, phát triển. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, sạch, xanh; không gian nông thôn từng bước được tổ chức theo hướng hiện đại, văn minh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế: khu vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế trừ trợ cấp sản phẩm. GRDP bình quân trên người đạt khoảng 187 triệu đồng (giá hiện hành)…

Theo ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, các nội dung thông qua tại kỳ họp rất quan trọng, nhất là thông qua Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để tỉnh định hướng, đề ra quyết sách trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Lữ Văn Hùng lưu ý, thời gian đến cuối năm không còn nhiều, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần rà soát, đánh giá đúng thực chất tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2023, để có các biện pháp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhằm đạt kết quả cao nhất.

Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, bám sát các kết luận, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại khó, trông chờ, ỷ lại.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng thảo luận và biểu quyết thông qua các Nghị quyết về: Sửa đổi, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025; sửa đổi, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; bãi bỏ các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh…

*Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bạc Liêu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 22 người đảm nhận các chức danh do HĐND tỉnh bầu, bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng để đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đây cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân.

Ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu có 39/42 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 92,8% số phiếu), 3 phiếu tín nhiệm và không có phiếu tín nhiệm thấp; ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có 30/42 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 71,43% số phiếu), 11 phiếu tín nhiệm, 1 phiếu tín nhiệm thấp.

Chanh Đa – Tuấn Kiệt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thong-qua-quy-hoach-bac-lieu-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050/313289.html