Thông tin bất ngờ về vương vị của Công chúa Nhật Bản sau khi kết hôn với chồng thường dân

Công chúa Mako có chồng sắp cưới là thường dân. Nhiều người lo ngại cô sẽ mất vương vị khi lấy chồng. Tuy nhiên, thông tin mới nhất lại đang có chiều hướng khác.

Công chúa Mako sinh năm 1991, là người lớn tuổi nhất trong số 4 cháu nội của Thiên hoàng Akihito. Thuộc thế hệ đầu 9X, công chúa lớn lên cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và truyền thông. Tuy nhiên, suốt thời thơ ấu, ít khi nào cô xuất hiện rình rang trước các phương tiện đại chúng. Phần lớn thời gian dường như cô đều khuất sau bốn bức tường của cung điện Akasaka.

Một bước ngoặt đã đến khi Công chúa tốt nghiệp phổ thông tại Gakushuin, ngôi trường dành cho con cháu quý tộc ngày xưa. Cô không theo tiếp chương trình đại học ở Gakushuin như nhiều thành viên hoàng tộc khác mà táo bạo chọn ngành nghệ thuật và di sản văn hóa tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo như ước mơ thời bé.

Năm 21 tuổi, Mako và vị hôn phu thường dân Komuro gặp nhau nhờ một buổi họp mặt thảo luận về vấn đề du học. Vào năm 2014, công chúa cũng lên đường đến Anh Quốc, theo đuổi khóa thạc sĩ ngành nghiên cứu bảo tàng và nghệ thuật tại ĐH Leicester.

Mako và vị hôn phu Komuro.

Mako và vị hôn phu Komuro.

Khóa học kéo dài 1 năm và họ yêu xa suốt thời gian đó. Năm 2015, Công chúa Mako về nước, làm nghiên cứu tại viện bảo tàng thuộc ĐH Tokyo. Cô được cho là người ham học hỏi, hiểu rộng biết nhiều và đầy nhiệt huyết - những đức tính khiến người dân Nhật Bản hết lòng yêu quý.

Ngoài thời gian yêu xa, tình yêu của Công chúa gặp rất nhiều sóng gió từ gia đình 2 bên. Họ đã phải hoãn kết hôn vì gia đình Komuro chưa trả nợ xong. Đợt hoãn vừa qua là do dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật trong thời điểm đó.

Ngoài ra, theo luật hoàng gia, đối với thành viên nữ của hoàng gia Nhật Bản, kết hôn với thường dân đồng nghĩa với việc mất đi địa vị. Tuy nhiên, mới đây theo tờ Japan Times mọi việc có thể được thay đổi.

Các nguồn tin cho biết chính phủ nước này đang xem xét việc trao tước vị mới cho thành viên nữ của hoàng gia - những người phải từ bỏ địa vị sau khi kết hôn - để họ có thể tham gia vào nhiều nhiệm vụ công ích. Việc làm này xuất phát từ mối lo ngại rằng số lượng thành viên hoàng gia ngày càng giảm, dẫn đến việc ít thành viên thi hành công vụ hơn.

Đây cũng là việc dễ chấp nhận hơn đối với phe bảo thủ - những người phản đối phụ nữ lên ngôi hoặc thành viên nữ đã kết hôn vẫn thuộc hoàng gia.

Đỗ Quyên (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/thong-tin-bat-ngo-ve-vuong-vi-cua-cong-chua-nhat-ban-sau-khi-ket-hon-voi-chong-thuong-dan-20201130104726991.htm