Thông tin hữu ích, giảm nghèo bền vững

Thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Để giảm nghèo bền vững, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) đã triển khai đa dạng phương thức hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin gắn với chuyển đổi số. Từ đó giúp người nghèo chủ động và thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để vượt khó vươn lên.

Đa dạng hình thức thông tin

Từ năm 2023, cửa hàng VNPT - Vinaphone Hiệp Hòa triển khai chương trình viễn thông công ích cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Để người dân được hưởng chính sách ưu đãi, hằng năm, UBND thị trấn Thắng giao cán bộ chuyên môn rà soát, lập danh sách gửi đến đơn vị viễn thông. Chương trình triển khai gồm hỗ trợ sim vinaphone, gói cước ưu đãi và dung lượng truy cập internet hằng tháng. Năm nay, thị trấn có 84 hộ nghèo và 124 hộ cận nghèo được hỗ trợ. Chị Nguyễn Thị Lượng tổ dân phố số 3 là một trong số những người được hưởng gói cước ưu đãi từ nhà mạng. Nhờ vậy mà hằng tháng chị tiết kiệm được một khoản chi phí và còn dễ dàng truy cập Internet để tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cũng như chăm sóc, giáo dục con cái.

 Cán bộ thị trấn Thắng thường xuyên tuyên truyền chính sách trên đài truyền thanh cơ sở.

Cán bộ thị trấn Thắng thường xuyên tuyên truyền chính sách trên đài truyền thanh cơ sở.

Cùng đó, Đảng ủy, UBND thị trấn quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ viễn thông, phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đến nay, hệ thống cáp quang băng rộng, mạng di động 3G, 4G được phủ đến tận các ngõ, xóm đáp ứng nhu cầu kết nối Internet của các hộ gia đình và người dân trên địa bàn thị trấn. Tại trụ sở các cơ quan, đơn vị và 15/16 nhà văn hóa của các tổ dân phố đã được lắp đặt wifi miễn phí. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 80%.

Hạ tầng viễn thông ngày càng mở rộng, thị trấn thành lập 17 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200 thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số. Qua đó giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống, cụ thể như cài đặt các ứng dụng định danh điện tử; bảo hiểm xã hội; sổ sức khỏe điện tử; tài khoản thanh toán qua Internet; thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đài truyền thanh thị trấn thường xuyên tiếp sóng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện; trang thông tin điện tử thị trấn, các nhóm zalo cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo.

Khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo

Những năm qua, cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở theo hướng kiên cố, đô thị hóa, Đảng ủy, UBND thị trấn Thắng tập trung thực hiện giảm nghèo về thông tin với nhiều hình thức phong phú. Qua đó góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND thị trấn, qua các kênh thông tin, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã chủ động học hỏi, áp dụng những mô hình mới, phù hợp để cải thiện thu nhập; mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường, tự lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy mà năm 2023, thị trấn Thắng còn 84 hộ nghèo, tỷ lệ 1,59% (giảm 23 hộ so với cùng kỳ); hộ cận nghèo còn 124 hộ, tỷ lệ 2,4% (giảm 34 hộ so với cùng kỳ).

 Hạ tầng kinh tế xã hội của thị trấn Thắng ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên.

Hạ tầng kinh tế xã hội của thị trấn Thắng ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên.

Đơn cử như hộ anh Trần Văn Thuận (SN 1985) ở tổ dân phố Phúc Thắng trước đây chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống bấp bênh, nhiều năm thuộc diện cận nghèo. Năm 2020, anh đi làm công nhân tại một doanh nghiệp may ở huyện rồi nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những ngày ở nhà, anh thường dành thời gian xem truyền hình, đọc báo để nắm bắt những mô hình làm kinh tế giỏi của tỉnh, của huyện và thông tin về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất. Với tính cần cù, chịu khó cộng thêm kinh nghiệm từ nghề và vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng anh Thuận mở xưởng may gia công quần áo. Sản phẩm được phân phối cho thị thường Hà Nội. Hiện xưởng may tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương; thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nguồn thu ổn định từ xưởng may, gia đình anh Thuận có điều kiện sửa chữa nhà cửa khang trang, nuôi dạy các con ăn học.

Thị trấn Thắng ngày nay có không gian đô thị hiện đại, phố xá kinh doanh sầm uất, giao thông tấp nập, cụm công nghiệp Đức Thắng hoạt động ổn định. Trên địa bàn thị trấn có 176 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và xây dựng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4,1 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/người/tháng và gần 1,4 nghìn hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ. Trên hành trình phát triển đó, Đảng ủy, UBND thị trấn Thắng luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả chương trình an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với tổ chức thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo vào những dịp lễ, tết, thị trấn còn thực hiện hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ theo địa chỉ cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tích cực hưởng ứng chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương xây dựng nghìn ngôi nhà đoàn kết", năm nay, thị trấn vận động nguồn lực xóa nhà tạm cho 3 hộ nghèo và cận nghèo.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thong-tin-huu-ich-giam-ngheo-ben-vung-171116.bbg