Thông tin về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chưa chính xác

Liên quan đến quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, PGS.TS Phạm Văn Song cho rằng, không phải cứ cái gì ven biển, là rừng ngập mặn thì đều phải bảo tồn

Phát triển kinh tế biển cần ưu tiên hàng đầu

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 731/QĐ-UBND (ngày 17/4/2023) cắt giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng.

Có ý kiến cho rằng, việc này gần như "xóa sổ" Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Tiền Hải để xây dựng khu đô thị, nguy cơ xóa sổ cả một Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới...

Liên quan đến vấn đề này PGS.TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, nguyên Phó viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, “việc này phải xem xét rất kỹ, trong đó xem xét quy mô bảo tồn và thực trạng bảo tồn hiện nay. Tuy nhiên, không phải cứ rừng ngập mặn ven biển, hay bất kỳ cái gì ven biển là đều bảo tồn. Chúng ta có khoảng 3.000km bờ biển, vậy cứ bảo tồn hết thì sao?

Theo PGS.TS Phạm Văn Song, trong tương lai việc phát triển kinh tế biển là rất quan trọng và có lẽ được ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên đi kèm với nó phải có giải pháp, phải có tính toán khoa học về lợi ích kinh tế và môi trường.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cần tiếp tục nghiên cứu rà soát khoa học để lựa chọn giải pháp cho phù hợp với quy hoạch, với điều kiện tự nhiên thực tế. Phát triển kinh tế ven biển là quan trọng nhưng cần có giải pháp để phát triển bền vững tránh tác động, ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.

Trước đó, ngày 28/10/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1486/QĐ-TTg về quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.

Đồng thời xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí tự nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; Kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.

Quyết định giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.

 Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến thông tin tỉnh Thái Bình "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh: internet

Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến thông tin tỉnh Thái Bình "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh: internet

Tỉnh Thái Bình lên tiếng

Trả lời báo chí về vấn đề này ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, phần diện tích hiện nay ban hành theo quyết định 731/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thái Bình xác định là khu rừng đặc dụng lấy tên là "Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải".

Với quyết định này thì việc quản lý sẽ dựa theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, theo đó thẩm quyền xác lập quy hoạch rừng thuộc UBND tỉnh. Theo quy hoạch khu kinh tế đã được phê duyệt sẽ chồng lấn 300 ha diện tích rừng đặc dụng. Do đó đã được tỉnh điều chỉnh đưa ra khỏi Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: "Khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với mục tiêu mong muốn là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, người dân làm ao, đầm nuôi trồng thủy sản... nên diện tích rừng ngập mặn ở đây không những không phát triển mà còn bị thu hẹp xuống còn hơn 980 ha cùng với đó là mức độ đa dạng sinh học không còn được như trước. Vì vậy nên tỉnh mong muốn thay đổi hướng phát triển để đem lại hiệu quả lớn hơn".

Ngoài ra, với tiềm năng lợi thế ven biển, có tuyến đường bộ ven biển chạy qua kết nối với cảng nước sâu Lạch Huyện, sân bay Cát Bi (Hải Phòng), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, kinh tế hướng biển.

"Do đó cần phải nhanh chóng hình thành vùng kinh tế ven biển để tạo ra sự phát triển đột phá của Thái Bình, để sớm đưa Thái Bình trở thành một tỉnh phát triển của khu vực Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần mà nghị quyết đã đề ra", ông Đinh Vĩnh Thụy nói.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-tin-ve-khu-bao-ton-thien-nhien-tien-hai-chua-chinh-xac-269909.html