Thủ đô Nga được bảo vệ bằng tên lửa hạt nhân chống hạt nhân

Thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới không phải là Washington, DC, mà là Moscow, Thủ đô của Liên bang Nga.

Một hệ thống phòng không của Nga

Một hệ thống phòng không của Nga

Trong khi Đặc khu Columbia (có thủ đô Washington của Mỹ) được Cơ quan Mật vụ và Cảnh sát an ninh nội địa bảo vệ, thủ đô của Nga là đơn vị duy nhất trên thế giới được bảo vệ bằng tên lửa hạt nhân. Tất cả là kết quả của một ngoại lệ được xây dựng trong một hiệp ước kiểm soát vũ khí hơn 40 năm tuổi.

Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 là một hiệp định kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Không giống như các hiệp ước khác tập trung vào vũ khí tấn công, Hiệp ước ABM tập trung vào việc hạn chế vũ khí phòng thủ, các tên lửa được thiết kế để hạ gục đầu đạn hạt nhân bay tới.

Lý thuyết đằng sau hiệp ước là việc triển khai tên lửa ABM không hạn chế ở cả hai bên sẽ dẫn đến các kho vũ khí tên lửa tấn công ngày càng mở rộng, khi mỗi bên cố gắng vượt qua hàng phòng thủ ngày càng tăng của bên kia.

Tuy nhiên, Hiệp ước ABM không cấm tất cả các ABM: mỗi bên được phép một địa điểm ABM duy nhất với tối đa 100 tên lửa. Mỗi nước có thể đặt chúng ở nơi họ muốn. Mỹ quyết định đặt hệ thống Safeguard xung quanh Căn cứ Không quân Grand Forks ở Bắc Dakota, với hy vọng làm như vậy để che chắn các tên lửa nguy hiểm và chính xác nhất của mình khỏi bị tấn công bất ngờ. Safeguard chỉ hoạt động một thời gian ngắn trước khi bị tháo dỡ; bảo vệ một vị trí duy nhất bằng một hệ thống cực kỳ đắt tiền là không có ý nghĩa.

Mặt khác, Liên Xô là một chính phủ tập trung cao độ với trung tâm là thủ đô Moscow. Việc Moscow bị phá hủy trong một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ có thể làm tê liệt khả năng đáp trả của Liên Xô. Kết quả là sự ra đời của hệ thống A-35, một mạng lưới phòng không hoàn chỉnh được thiết kế để đảm bảo sự sống còn của Moscow trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hệ thống A-35 lần đầu tiên được đề xuất vào những năm 1950, khi các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ bắt đầu làm lu mờ các máy bay ném bom trong vai trò mối đe dọa lớn đối với Moscow.

Ý tưởng ban đầu là bố trí 32 địa điểm đặt tên lửa chống tên lửa đạn đạo bao quanh thành phố, cùng với 8 radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và một radar quản lý tác chiến. Trong quá trình phát triển, số lượng vị trí đặt tên lửa giảm xuống còn bốn, mỗi vị trí tám bệ phóng (tổng số 64 tên lửa), nhưng bản thân các tên lửa sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân, làm tăng đáng kể hiệu quả của chúng.

Hệ thống này ban đầu được trang bị tên lửa đạn đạo A-350. A-350 có kích thước gần bằng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), sử dụng nhiên liệu lỏng nặng 35 tấn. Được trang bị đầu đạn cố sức công phá từ hai đến ba megaton, nó được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn đang bay tới ở độ cao lên tới 120 km - đủ cao để không gây thiệt hại cho thành phố bên dưới bằng vụ nổ nhiệt hạch tiếp theo.

Ngoài A-350, Moscow còn được bao quanh bởi 48 tên lửa đất đối không SA-1 “Golden Eagle”, mỗi tên lửa có tầm bắn 50 km và mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, để đánh chặn máy bay ném bom của đối phương. Hệ thống A-35 được thiết kế để bảo vệ Moscow và Điện Kremlin trước 6 đến 8 ICBM hạt nhân. ICBM chính của Mỹ vào thời điểm đó, Minuteman III có thể mang ba đầu đạn mỗi quả, tổng cộng là từ 18 đến 24 đầu đạn. Bất chấp những chuẩn bị đó, việc mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên đã khiến A-35 trở nên lỗi thời.

Vào thời điểm hoàn thành, A-35 phải đối đầu với một nghìn tên lửa Minuteman III, cộng với sáu trăm tên lửa Polaris trên biển, một con số mà hệ thống không thể ngăn chặn. Đến năm 1968, kế hoạch chi tiết của Mỹ về chiến tranh hạt nhân, Quy trình hoạt động tích hợp duy nhất (SIOP), dành riêng 66 tên lửa Minuteman và hai tên lửa Polaris để loại bỏ mạng lưới tên lửa và radar của A-350 trong hai đợt tàn phá, một cuộc tấn công lên tới tám đầu đạn/mục tiêu. Nhìn chung, một hỏa lực hạt nhân đáng kinh ngạc 65.200 kiloton sẽ được sử dụng trong một cuộc bao vây hạt nhân vào Moscow chỉ kéo dài vài phút. (Để tham khảo, quả bom nguyên tử được sử dụng tại Hiroshima là 16 kiloton.)

Nhưng hệ thống ABM của Nga đã được nâng cấp vào giữa những năm 1970. Hệ thống A-135 mới được thiết kế không chỉ để bảo vệ thủ đô trước chiến tranh hạt nhân toàn diện mà là một cuộc tấn công hạn chế, có thể là do ngẫu nhiên hoặc do một số tướng Mỹ bất tuân thượng lệnh gây ra. Hệ thống bắt đầu được phát triển vào năm 1968 nhưng bắt đầu hoạt động vào năm 1989. Tuy nhiên, nó chỉ được coi là đáng tin cậy từ thời điểm sau năm 1995.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/thu-do-nga-duoc-bao-ve-bang-ten-lua-hat-nhan-chong-hat-nhan-1779902.tpo