Thủ đoạn của Công ty Luật TNHH Power Law ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ
Công an TP.HCM thông tin các thủ đoạn của Công ty Luật TNHH Power Law (phường An Phú Đông, quận 12) chuyên ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ.
Ngày 1/12, Công an TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về vụ án vu khống để đòi nợ xảy ra tại Công ty Luật TNHH Power Law (phường An Phú Đông, quận 12).
Về thủ đoạn của Công ty Luật TNHH Power Law, Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng Công an quận 12 cho biết, công ty này đăng ký công ty tư vấn nợ nhưng chỉ có 3 người có bằng luật sư. Công ty thực hiện dịch vụ đối với các ngân hàng, công ty tài chính và các app tín dụng trên không gian mạng, có hoạt động giao cho nhân viên thu hồi nợ, hưởng lợi từ 25% - 30% hợp đồng, với người vay nhiều tỷ đồng sẽ được hưởng nhiều hơn.
Những kẻ này lợi dụng khó khăn sau dịch COVID-19, nhiều người cần vốn kinh doanh nên chào mời trên không gian mạng, rải tờ rơi cho vay mức lãi vay vi phạm pháp luật.
Các nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ: Cấp độ thấp nhất là nhắc nợ bằng các tin nhắn thông thường; cấp độ 2, nhắn tin đe dọa và cấp độ 3 là cắt ghép hình ảnh nhạy cảm. Nhóm này không chỉ cắt ghép hình ảnh con nợ, mà người thân, đồng nghiệp của người vay cũng bị cắt ghép ảnh, đăng mạng xã hội bôi nhọ danh dự, khủng bố tinh thần.
Qua sự việc, Công an quận 12 khuyến cáo, người dân không nên vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen, các đối tượng cho vay lãi nặng, các tổ chức ngoài xã hội, tránh để lộ lọt thông tin và hình ảnh cá nhân.
Người dân cần mạnh dạn tố cáo các hành vi đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bản thân và người xung quanh tới công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Theo Thượng tá Phạm Đình Ngọc, công ty này làm việc không mang tính chất "tín dụng đen", công an đã phối hợp với VKS kiểm tra hành chính, khám xét công ty, phát hiện nhiều sai phạm và có hành vi vu khống nên khởi tố 13 bị can. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đấu tranh để làm rõ hành vi liên quan.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hiện nay chuyển từ hình thức rải tờ rơi sang hình thức cho vay qua các app trên điện thoại di động. Hình thức biến tướng này gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.
Theo Đại tá Hiếu, khi người vay mất khả năng chi trả, nhóm cho vay đe dọa, tin nhắn, gọi điện để khủng bố tinh thần hoặc tạt sơn, ném chất bẩn, thậm chí bắt giữ con nợ để giam giữ, tra tấn nhằm đòi tiền.
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục củng cố hồ sơ, tiếp tục xử lý nghiêm những công ty, cá nhân mang tính chất đòi nợ kiểu vu khống", Đại tá Hiếu nói.
Trước đó, ngày 19/11, Công an quận 12 phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM cùng một số đơn vị nghiệp vụ kiểm tra hành chính Công ty Luật TNHH Power Law.
Lực lượng chức năng phát hiện Ban Giám đốc công ty và 83 nhân viên công ty có nghi vấn liên quan hoạt động phạm tội. Sau khi ghi lời khai, lực lượng chức năng xác định 35 người có hành vi sử dụng, cắt ghép hình ảnh vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ. Cơ quan công an bước đầu xác định khoảng 300 bị hại trên cả nước là nạn nhân của công ty này.
Cơ quan công an đã bắt tạm giam 11 người, khởi tố 2 bị can về hành vi vu khống.
Danh tính những người này, gồm: Phạm Lê Duy (25 tuổi, quê Vĩnh Long); Bùi Thị Thu Huyền (25 tuổi, quê Gia Lai); Nguyễn Thị Quyên (19 tuổi, quê Thanh Hóa); Nguyễn Văn Hiếu (24 tuổi, quê Đắk Lắk); Lê Thế Bình (30 tuổi, quê Đắk Lắk); Lê Khánh Duy (24 tuổi, quê Gia Lai); Phạm Thị Ngọc Tính (24 tuổi, quê Bình Định); Đinh Thanh Long (27 tuổi, quê Bình Định); Hoàng Trọng Hiếu (23 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn); Nguyễn Duy Khanh (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú); Lê Quang Khải (27 tuổi, quê Gia Lai); Lê Thanh Duy (24 tuổi, quê Cà Mau) và Phan Thanh Trường (31 tuổi, quê Gia Lai).