Thu hồi tài sản tham nhũng đã làm tốt hơn, nhưng chưa tương xứng với số bị thất thoát
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết: Đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để gây mất trật tự, an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm… cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội.
Hạn chế tối đa oan sai, bỏ lọt tội phạm
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 24/10, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước hết, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ sự tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của ngành Kiểm sát và của cá nhân Viện trưởng.
Đối với vấn đề yêu cầu điều tra và biện pháp hỏi cung đã được tăng cường trong năm 2020, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Yêu cầu điều tra là biện pháp tố tụng mang tính chất bắt buộc của ngành Kiểm sát đặt ra để định hướng điều tra. Nếu định hướng điều tra đúng sẽ góp phần quyết định việc điều tra, làm rõ vụ án và chứng minh tội phạm. Còn nếu định hướng điều tra sai là nguyên nhân dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, đây là một biện pháp hết sức quan trọng và yêu cầu ngay từ đầu Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng của mình đã phải tính toán đến, đặt ra các yêu cầu điều tra xác minh. Việc này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang cố gắng làm tốt và mỗi năm đạt được kết quả tốt hơn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu.
Đối với biện pháp hỏi cung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao coi đây là biện pháp tố tụng phải tăng cường làm tốt hơn nữa. Bởi đây cũng là yêu cầu bắt buộc của tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự. Với yêu cầu thẩm tra lại kết quả hỏi cung của cơ quan điều tra và góp phần giải quyết vụ án khách quan, chính xác hơn. Qua hỏi cung trong thực tế, có bị can kêu oan, từ đó vụ án đã được xem xét và góp phần giảm oan sai. Có vụ án qua hỏi cung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hỗ trợ các cơ quan chức năng thu thêm tài sản cần thu hồi. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng yêu cầu tất cả các cấp kiểm sát phải phúc cung trước khi quyết định truy tố. Đó là một yêu cầu bắt buộc để có thể quyết định có cần xác minh điều tra bổ sung vấn đề gì còn mâu thuẫn, còn chưa làm rõ trước khi quyết định truy tố hay không, nhằm hạn chế tối đa oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Khẩn trương nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác
Ngoài ra, về vấn đề các đại biểu Quốc hội lưu ý các cơ quan tố tụng chú ý xem xét, xử lý các vụ án bị kéo dài, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Với trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, mỗi cơ quan sẽ có phần trách nhiệm giải trình của mình. Có những việc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang xin ý kiến của các cấp thẩm quyền. Có những vụ việc, vụ án, Viện đang tiến hành các biện pháp tố tụng, điều tra làm rõ theo đúng như luật định và khi có kết quả sẽ thông tin đầy đủ đến cho đại biểu quan tâm những vụ án, vụ việc cụ thể.
Đối với vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, với chủ trương của Đảng và quyết tâm chính trị là yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của Nhà nước. Trong thực tế những năm gần đây, chúng ta đã làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn. Bởi vì rõ ràng số tài sản đã mất so với số tài sản lấy lại vẫn chưa tương xứng.
Vấn đề đặt ra ở đây là kể cả khi cơ quan chức năng có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng niêm phong, cũng kê biên được hết, khi mà các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng thì người dân có quyền khởi kiện. Cho nên, việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát cần thực hiện khẩn trương nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đồng Tháp, ngày 24/10.
Đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, hệ thống pháp luật hiện hành cũng cần phải tiếp tục rà soát và hoàn thiện để việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát được thực hiện tốt hơn. Để công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đưa ra các đề xuất:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét để đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội về xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Bởi vì hiện nay, chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản mà các đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, sở hữu có hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không còn chưa rõ ràng.
Thứ hai, Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, đặc biệt trong xu thế hiện nay đang áp dụng trực tuyến để thanh toán. Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát mới thực hiện tốt hơn được…
Tại phiên giải trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng làm rõ ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội về việc gần đây có một số đối tượng có hành vi thông qua hoạt động từ thiện, những vụ việc tranh chấp, xung đột và có những hành vi lợi dụng mạng xã hội để gây mất trật tự, an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội… Thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét xử lý các hành vi này, để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội.