Thu hồi, tiêu hủy CMND bị bong tróc, cũ hỏng: Từng bước chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cá nhân

Quy định mới về cấp căn cước công dân vừa được Bộ Công an ban hành

(HNM) - Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BCA về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

Theo đó, từ ngày 1-12-2019, khi làm thủ tục cấp căn cước công dân, cán bộ phụ trách sẽ thu chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ căn cước công dân qua chuyển phát nhanh. Quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn từng bước phục vụ công tác chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cá nhân, nâng cao hiệu quả trong quản lý hành chính.

Từ ngày 1-12-2019, chứng minh nhân dân bị bong tróc, cũ hỏng sẽ được thu hồi, tiêu hủy để cấp, đổi sang thẻ căn cước công dân. Ảnh: Giang Sơn

Trung tá Phạm Văn Hiển - Đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Hoàn Kiếm:
Tạo hướng mở trong cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân

Điểm mới trong Thông tư số 48/2019/TT-BCA là bên cạnh việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét và hoàn thiện hồ sơ theo quy định; đơn vị cấp căn cước phải có trách nhiệm xác minh, đối chiếu, khai thác thông tin trong hồ sơ tàng thư để cung cấp cho công dân, phục vụ việc kê khai, cấp đổi hoặc cấp mới thẻ căn cước công dân.

Sau khi làm xong căn cước công dân, cán bộ công an sẽ hướng dẫn người dân sang phòng tiếp công dân đăng ký quản lý hộ khẩu để điều chỉnh lại thông tin theo căn cước công dân, nhằm chuẩn hóa hồ sơ, lý lịch. Khó khăn hiện nay là nhiều trường hợp người cao tuổi không có hồ sơ lưu trữ, không có giấy khai sinh… nên cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải phối hợp với Phòng Tư pháp quận và UBND phường nơi công dân cư trú nhằm xác minh dữ liệu, hướng dẫn người dân làm trích lục giấy khai sinh để làm căn cứ cấp thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, quá trình làm căn cước có nhiều trường hợp hộ khẩu của công dân không có đủ thông tin về địa giới hành chính như xã - huyện - tỉnh; không có đủ ngày tháng năm sinh; bị người thân gây khó dễ, không cung cấp hộ khẩu để đối chiếu… Rất mong Bộ Công an và Bộ Tư pháp kiến nghị ban hành văn bản dưới luật (Luật Căn cước công dân), tạo hướng “mở” trong quy định sao cho vừa thuận tiện trong thủ tục hành chính cho công dân, vừa tạo điều kiện cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Bắc Từ Liêm:
Hồ sơ, giấy tờ tùy thân của công dân sẽ sớm được chuẩn hóa

Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước gồm 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 21, Luật Căn cước công dân cũng quy định, thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Chứng minh nhân dân cũ, hỏng, bong tróc trong quá trình sử dụng đều không có giá trị và cần phải được thu hồi, tiêu hủy, cấp, đổi, cấp lại sang thẻ căn cước công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, đồng thời giúp cơ quan quản lý cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, phục vụ việc duy trì, khai thác và sử dụng hiệu quả, lâu dài trong quản lý hành chính.

Trong điều kiện chưa có dữ liệu dân cư như hiện tại, song cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Bắc Từ Liêm luôn nỗ lực ở mức cao nhất, bảo đảm thời gian cấp thẻ căn cước công dân theo đúng quy định. Thời gian tới, khi triển khai kê khai thông tin trực tuyến, việc cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân sẽ còn nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn.

Luật sư Vũ Trần Thành, Văn phòng Luật sư Quang Thành, quận Hà Đông:
Hạn chế thấp nhất tình trạng giả mạo chứng minh nhân dân

Thông tư số 48/2019/TT-BCA vừa có hiệu lực có nhiều điểm mới. Song, điểm được đông đảo người dân chú ý nhất đó là Thông tư đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 5 như sau: Đối với chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy chứng minh nhân dân đó và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Điểm mới sửa đổi này thực sự cần thiết nhằm bảo đảm an ninh vì thời gian qua rất nhiều tội phạm đã lợi dụng chứng minh nhân dân bong tróc của người khác để dán ảnh của mình vào nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hy vọng, việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét sẽ được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, góp phần giữ thông tin cá nhân không bị khai thác sai quy định.

Công dân đến làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Phan Văn Hùng, phường Mai Động, quận Hoàng Mai:
Tăng cường tuyên truyền để người dân biết, thực hiện

Thông tư số 48/2019/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 1-12-2019, nhưng đến nay vẫn ít người được biết đến những điểm mới của văn bản này. Theo tìm hiểu, những quy định mới sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi thực hiện việc cấp đổi, cấp mới thẻ căn cước công dân. Trước đây, nhiều công dân có chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, thay vì mang đến cơ quan công an giao nộp và hoàn thiện hồ sơ xin cấp lại chứng minh nhân dân mới theo quy định thì người dân lại để ở nhà, thậm chí vứt bỏ. Việc làm này vô tình khiến cho dữ liệu cá nhân bị “đánh cắp”, đồng thời tạo điều kiện cho đối tượng xấu sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để phạm tội.

Để mọi công dân đều biết về những điểm mới, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân biết và thực hiện đúng quy định.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/953117/thu-hoi-tieu-huy-cmnd-bi-bong-troc-cu-hong-tung-buoc-chuan-hoa-co-so-du-lieu-ca-nhan