Thu hút đầu tư từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách

Trong khi nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức đối tác công tư (PPP) còn rất hạn chế, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần phải hoàn thiện quy định về PPP; đồng thời đảm bảo sự hài hòa về quyền lợi giữa Nhà nước với nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia, giúp giảm gánh nặng đầu tư công cho ngân sách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Ảnh: QH

Mở rộng lĩnh vực đầu tư của PPP

Thẩm tra về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.

Cơ quan thẩm tra cũng phản ánh rằng Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Theo đại biểu, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế.

Đại biểu lý giải, các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít, đồi núi... thì kêu gọi đầu tư PPP. Trong khi đó, những dự án thuận lợi giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

“Đây là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP nên không thu hút được nhà đầu tư” - đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết. “Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án PPP” - đại biểu kỳ vọng.

Nhất trí với đề xuất những nội dung sửa đổi trong luật PPP như việc mở rộng phạm vi, lĩnh vực đầu tư PPP, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc này sẽ thúc đẩy giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội vào đầu tư hạ tầng.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cũng đồng tình cho rằng, việc mở rộng các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP để tăng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân vào nhiều hơn nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020 là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khơi thông nguồn lực, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên các lĩnh vực trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

Đặc biệt qua sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, không chỉ đối với các dự án PPP được triển khai sau khi luật này có hiệu lực mà cả đối với các dự án PPP đã và đang triển khai, vận hành, khai thác.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang)

Đánh giá hoạt động đầu tư theo phương thức PPP là một lĩnh vực được các doanh nghiệp rất quan tâm, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề xuất nên giảm quy mô đối với các công trình đầu tư theo phương thức PPP nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Bởi các công trình do nhà đầu tư đăng ký thực hiện theo phương thức PPP thường có quy mô nhỏ hơn hạn mức quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, tức là thấp hơn 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này lại quy định các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải yêu cầu tổng mức đầu tư phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, với hạn mức đầu tư như trên thì các công trình thực hiện theo phương thức PPP rất khó thực hiện ở các địa phương.

Do đó, “tôi đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, tạo điều kiện mở rộng cơ hội thực hiện các dự án này, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở địa phương và đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong luật” - đại biểu kiến nghị.

Tránh rủi ro cho Nhà nước, song vẫn phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư

Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP sửa đổi, vấn đề vốn cho dự án và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như tránh rủi ro cho Nhà nước, người dân là những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đề cập đến vấn đề vốn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết Luật cũ quy định Nhà nước chỉ đầu tư không quá 50% tổng vốn đầu tư. Nhưng trong dự án Luật sửa đổi lần này, đối với những công trình và những dự án có giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân ở mức cao, Nhà nước có thể đầu tư tới 70% tổng số vốn.

Minh bạch, công bằng để thu hút đầu tư từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh N.Lộc

Minh bạch, công bằng để thu hút đầu tư từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh N.Lộc

Theo đại biểu, đây là một điểm đáng chú ý về việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP. Nhà đầu tư bỏ vốn 30% sẽ được hưởng lợi nhuận 30%, nếu bỏ vốn cao hơn sẽ được hưởng cao hơn. Điều này được thực hiện rất rõ ràng, phân chia cụ thể, minh bạch. Bên cạnh đó, nếu dự án thua lỗ, Nhà nước cũng sẽ bù vào giúp nhà đầu tư không bị thiệt thòi nhiều.

Đại biểu cho biết, việc bù lỗ này của Nhà nước phải công khai, minh bạch, đảm bảo theo quy định của pháp luật; đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo quyền lợi giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước cần có sự hài hòa.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị đối với dự án PPP cần được thẩm định để rõ nguồn vốn, khách quan trong đầu tư nhằm hạn chế rủi ro cho Nhà nước và người dân, từ đó tạo dựng cơ chế minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên.

Đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tối đa là 70% trong các trường hợp đặc biệt là hợp lý, song đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung rõ hơn căn cứ, tiêu chí áp dụng nhằm tránh trường hợp tỷ lệ cao dễ bị lạm dụng.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho biết, thực tế cho thấy, để khuyến khích thu hút, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo hình thức PPP thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng.

Song, Luật PPP năm 2020 mới chỉ quy định vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng, nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án, nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật hiện hành, chưa có quy định về hỗ trợ doanh thu của dự án bị sụt giảm do không phải lỗi của nhà đầu tư.

Điều này dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành khai thác, nhà đầu tư thiếu niềm tin, không mặn mà đầu tư vốn tham gia các dự án mới theo hình thức PPP.

Vì vậy, “đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm luật này có hiệu lực. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư bên cho vay khi thực hiện trong trường hợp này” - đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp cũng cho rằng, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức PPP đang là một xu thế tất yếu.

Đây là một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả nhưng hiện hình thức đầu tư PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Do đó, trên cơ sở các quy định pháp luật về PPP được hoàn thiện, các ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần đảm bảo tính khả thi, cũng như thực thi hiệu quả các quy định này. Một mặt kiểm soát tốt các dự án thực hiện theo hình thức PPP; nhưng mặt khác, cần thực hiện nghiêm túc và đúng cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; thực hiện nghiêm túc các điều khoản về đảm bảo nhà đầu tư nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của các dự án./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thu-hut-dau-tu-tu-xa-hoi-giam-ganh-nang-cho-ngan-sach-36084.html