Thu hút nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Hoạt động khuyến công thời gian qua đã khẳng định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển. Đồng thời, sự hỗ trợ của các chương trình khuyến công cũng góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công góp phần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển - Ảnh: T.L

Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công góp phần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển - Ảnh: T.L

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Trị Nguyễn Trương Hoàn cho biết: “Hoạt động khuyến công đã đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển sản xuất. Trong giai đoạn từ 2016-2020, với nguồn vốn khuyến công trên 28 tỉ đồng đã thu hút gần 300 tỉ đồng từ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư vào phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển CNNT tại các địa phương. Đồng thời, với sự hỗ trợ vốn từ các chương trình khuyến công đã giúp các doanh nghiệp chủ động và nắm bắt được cơ hội, các điều kiện thuận lợi để tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tối đa hóa lợi ích được thụ hưởng từ các chính sách khuyến công, từ đó sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm của tỉnh. Cùng với đó, từ các chính sách khuyến công và sự nỗ lực của doanh nghiệp, các sản phẩm CNNT của tỉnh cũng được phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng, mẫu mã so với giai đoạn trước, nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ trên cả nước, một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài”.

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động khuyến công quốc gia đã hỗ trợ trên 13,5 tỉ đồng để xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT vào sản xuất. Cụ thể, đã hỗ trợ 13 đề án ứng dụng máy móc và KHKT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa với 22 doanh nghiệp thụ hưởng, tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,8 tỉ đồng. Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1 cụm công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng cho 3 cụm công nghiệp gồm Cam Thành (huyện Cam Lộ), Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và Krông Klang (huyện Đakrông) với tổng số vốn gần 7,7 tỉ đồng. Từ hoạt động này đã kịp thời tạo mặt bằng, góp phần thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung.

Cùng với chương trình khuyến công quốc gia, với nguồn kinh phí trên 8 tỉ đồng, thời gian qua, các hoạt động khuyến công tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 93 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong một số ngành nghề như chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, gia công máy móc, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cơ khí chế tạo; sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm… Đây là chương trình trọng tâm trong các nội dung của hoạt động khuyến công vì gắn với nhu cầu thiết thực của nhiều cơ sở CNNT địa phương đang trong giai đoạn hình thành, mở rộng sản xuất cần thiết phải đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị trong sản xuất để phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, hoạt động khuyến công tỉnh còn hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hướng đến giúp doanh nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu có hiệu quả hơn, giảm được chi phí sản xuất và mang lại các lợi ích về môi trường. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề. Cùng với các hoạt động của chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh, các địa phương trong tỉnh đều bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động khuyến công, góp phần thúc đẩy các ngành, nghề nông thôn với tổng kinh phí trên 6,8 tỉ đồng. Nhờ vậy, đã có nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống tại các địa phương được củng cố, khôi phục phát triển và được công nhận, nhiều mô hình khuyến công đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của địa phương.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hoạt động khuyến công đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc động viên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNNT, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Góp phần vào sự tăng trưởng sản phẩm công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020 bình quân đạt 7,16%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng đạt 10,89%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 76,73% năm 2015 lên 80,71% năm 2020. Hoạt động khuyến công cũng góp phần xây dựng được nhiều mô hình phát triển CNNT tiêu biểu, làm điển hình nhân rộng…

Trong thời gian tới, hoạt động khuyến công tiếp tục hướng đến mục tiêu khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. Đồng thời khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở CNNT trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu phát triển của nền kinh tế và xuất khẩu.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155355