Thủ lĩnh sáng tạo ở Nhà máy Z113

Đầu năm 2020, tốt nghiệp Đại học Hàng không Moscow (Liên bang Nga) với chuyên ngành đạn đạo và động lực học thủy khí, Hoàng Ngọc Huy khao khát mang những kiến thức được học phục vụ Quân đội. Về Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) công tác, thời điểm đó, Hoàng Ngọc Huy khá băn khoăn vì nghĩ mình không phù hợp với ngành nghề truyền thống của nhà máy.

Nhưng với nỗ lực bền bỉ, sáng tạo không ngừng, trên cương vị Trợ lý kỹ thuật, Phòng Nghiên cứu phát triển, Thượng úy Hoàng Ngọc Huy đã có nhiều đóng góp chung vào sự phát triển của Nhà máy Z113 trong những năm qua.

Thời gian đầu về Nhà máy Z113 công tác, Hoàng Ngọc Huy được giao đảm nhiệm mảng điện và tự động hóa. Tuy nhiên, một số máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất đạn, thuốc nổ, cơ khí có đặc thù khác nhau. Với quyết tâm cao, anh cùng đồng nghiệp đã phục hồi và cải tạo thành công hệ thống điều khiển tự động của máy cân bao gói thuốc nổ TNT, thuốc nổ nhũ tương; thiết kế chế tạo máy tiện rãnh xén miệng vỏ liều đạn theo nguyên lý mới... Khoảng thời gian này đã tích lũy cho Huy nhiều kiến thức và kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện bản thân, trau dồi, rèn luyện khả năng nghiên cứu, tiếp thu kiến thức mới vào thực hiện nhiệm vụ.

 Thượng úy Hoàng Ngọc Huy (ở giữa) cùng đồng đội trao đổi về sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Thượng úy Hoàng Ngọc Huy (ở giữa) cùng đồng đội trao đổi về sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Năm 2021, Nhà máy Z113 được giao triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới, trong đó có các sản phẩm liên quan đến thiết bị bay không người lái (UAV). Hoàng Ngọc Huy đã tham gia nhóm nghiên cứu đề tài “Hệ thống chữa cháy từ xa”, với sản phẩm chủ lực là UAV chữa cháy. Bắt tay thực hiện nhiệm vụ, Huy và đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

UAV chữa cháy là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, kết hợp trí tuệ của nhiều ngành khoa học, không có sản phẩm mẫu, không có kết quả nghiên cứu trước để học hỏi. Trong khi đó trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu của Nhà máy còn thiếu đồng bộ; nguồn cung cấp linh kiện, vật tư khan hiếm. Mặt khác, việc tích hợp hệ thống chữa cháy lên UAV đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải giải quyết nhiều bài toán tổng hợp từ cơ khí, động lực học, đến điện tử, lập trình, vũ khí-đạn. Trong đó, hai vấn đề lớn cần giải quyết là độ ổn định bay khi có hiện tượng bắn và độ chính xác của phát bắn khi phóng đạn chữa cháy.

Để giải quyết những khó khăn trên, với tinh thần “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, Hoàng Ngọc Huy và nhóm nghiên cứu tích cực, chủ động tìm tòi nghiên cứu các công nghệ hiện tại được áp dụng trên thế giới; nhất là tính toán để UAV hoạt động ổn định khi thực hiện các phát bắn với các phần tử bắn ở nhiều cự ly khác nhau. Đặc biệt là thiết kế, lập trình mạch điều khiển bắn hoạt động tuyệt đối tin cậy, không để các loại nhiễu tín hiệu khiến mất an toàn bắn; thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thiện sản phẩm. Cùng với đó, Hoàng Ngọc Huy mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mua sắm, đầu tư một số máy móc, thiết bị đặc thù phù hợp với nội dung nghiên cứu; chủ động tìm kiếm để đa dạng hóa các nhà cung cấp trong tình hình thị trường thế giới biến động khó lường như hiện nay.

Theo Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113, sau thời gian nỗ lực nghiên cứu, đề tài “Hệ thống chữa cháy từ xa” đã được nghiệm thu, bảo vệ thành công cấp Tổng cục CNQP, được hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao. Các sản phẩm của đề tài được tham gia diễn tập khu vực phòng thủ dân sự phía Bắc năm 2022, phía Nam năm 2023 và một số tỉnh khu vực Tây Bắc, được thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tặng bằng khen.

Sản phẩm tham gia Cuộc thi “Sáng tạo khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn” năm 2021-2022 do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) tổ chức đoạt giải nhất. Hiện nay, sản phẩm đưa vào kế hoạch sản xuất loạt “O” theo nhu cầu của Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu). Chi cục kiểm lâm một số địa phương và các đối tác nước ngoài cũng đã liên hệ đặt hàng nhiều loại UAV mang thương hiệu Z113.

Từ kết quả của đề tài “Hệ thống chữa cháy từ xa”, nhằm phát triển đa dạng hóa các tính năng UAV, Thượng úy Hoàng Ngọc Huy và đồng sự đã nghiên cứu tích hợp thành công UAV chữa cháy bằng vòi phun nước của xe cứu hỏa và bắn trình diễn pháo hoa bằng UAV vào các dịp lễ, Tết và các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang gần đây cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của UAV trên chiến trường; trên cơ sở thành công nghiên cứu thiết kế, chế tạo UAV, Thượng úy Hoàng Ngọc Huy tiếp tục tham gia phát triển các loại UAV sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích quân sự.

Mặc dù tuổi quân, tuổi đời còn ít nhưng Thượng úy Hoàng Ngọc Huy đã có sản phẩm khoa học mang tầm “chiến lược” của nhà máy. Chia sẻ “bí quyết” đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, Hoàng Ngọc Huy cho rằng, trước hết phải xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn, luôn đổi mới sáng tạo, nhiệt huyết trong công tác nghiên cứu khoa học, vì sự phát triển của nhà máy và khát vọng cống hiến cho nền CNQP.

Chủ động đề xuất, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào triển khai hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ tại đơn vị. Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, thử nghiệm. Trên cơ sở ý tưởng mới, làm tốt công tác phối hợp với các chuyên gia; huy động nguồn lực khoa học - công nghệ với mục tiêu phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia...

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/thu-linh-sang-tao-o-nha-may-z113-798510