Thu ngân sách của Hà Nội đạt gần 93% dự toán năm

Theo Cục thống kê Hà Nội, lũy kế 9 tháng, tổng thu ngân sách của thành phố đã đạt xấp xỉ 93% dự toán của cả năm, trong đó thu nội địa do ngành thuế quản lý đạt gần 94%, tăng 23,6% so với cùng kỳ.

Kết quả khả quan này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đã có sự hồi phục. Bên cạnh đó, các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thuế cũng đã góp phần tích cực mở rộng cơ sở, chống thất thu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Không còn tình trạng ăn đong từng đơn hàng xuất khẩu, từ đầu năm đến nay gần 12.000 lao động của Công ty May 10 luôn dư dả việc làm, doanh thu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu tăng 8% so với cùng kỳ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng với nỗ lực tự thân đã giúp doanh nghiệp hồi phục, có thể hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng, trong đó có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, các khoản phí, lệ phí về đất chúng tôi đều đóng đầy đủ. Kết thúc 9 tháng, các khoản nộp ngân sách của Tổng công ty May 10 khoảng trên 44 tỷ đồng, tăng 14% so với mức 38 tỷ của 9 tháng năm 2023".

Hoàn Kiếm là địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại sôi động được chọn thí điểm quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Tháng đầu tiên triển khai, thông qua cơ sở dữ liệu tập trung và định danh điện tử, cơ quan thuế đã thu được 50 tỷ vào ngân sách, trong khi trước đó, thu từ lĩnh vực này là con số 0. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, Cục Thuế cũng đã tham mưu UBND TP. Hà Nội triển khai nhân rộng đến các quận, huyện, thị xã, từ đó mở rộng trên 50% cơ sở tính thuế.

Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cùng Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được triển khai quyết liệt gần đây đã tạo bước ngoặt lớn đối với công tác quản lý thuế, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Lần đầu tiên cá nhân, tổ chức kinh doanh trên môi trường điện tử được định danh rõ ràng. Đây là cơ sở quan trọng để mở rộng đối tượng, cơ sở và nguồn thu.

Ở Hà Nội, 7,1 triệu mã số thuế được chuẩn hóa; 75.100 trường hợp cá nhân tham gia kinh doanh thương mại điện tử được định danh, trong đó đưa vào quản lý 24.800 doanh nghiệp, 37.000 hộ kinh doanh, 9000 cá nhân, mang lại số thu 24.100 tỷ đồng chỉ trong vòng 7 tháng. Con số này bằng xấp xỉ một nửa tổng thu ngân sách cả năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh và bằng hơn 50% số thu của tỉnh Hưng Yên, hai trong số 4 địa phương thu ngân sách cao nhất vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Trong điều kiện khó khăn, nhiều khoản thuế, phí giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo được số thu tăng trưởng như vậy là nỗ lực rất lớn. Thu ở cả ba khu vực: doanh nghiệp Nhà nước, FDI và doanh nghiệp ngoài Nhà nước đều tăng cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ nét của doanh nghiệp và nền kinh tế. Kết quả này tạo đà quan trọng để Hà Nội hoàn thành tổng dự toán thu nội địa được giao hơn 381.000 tỷ đồng, tăng 17% so với dự toán năm 2023, tiếp tục là đơn vị có số thu nội địa cao nhất cả nước.

Vũ Hà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thu-ngan-sach-cua-ha-noi-dat-gan-93-du-toan-nam-271118.htm