Thu phí lòng đường, hè phố ở TP. Thái Nguyên: Từ phương án đến thực tiễn… có còn xa?

Nhằm khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, được sự nhất trí của tỉnh, TP. Thái Nguyên đã xây dựng phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Hầu hết người dân và chính quyền các địa phương đều ủng hộ phương án này. Theo kế hoạch, việc thu phí được triển khai thực hiện từ cuối năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn 'nằm trên giấy'. Người dân vẫn băn khoăn về tính khả thi của nội dung này.

 Khu vực Siêu thị Go! Thái Nguyên (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên) dự kiến được thực hiện thí điểm việc thu phí lòng đường, hè phố giai đoạn 1.

Khu vực Siêu thị Go! Thái Nguyên (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên) dự kiến được thực hiện thí điểm việc thu phí lòng đường, hè phố giai đoạn 1.

Để không còn điệp khúc “đuổi - chạy”
Tại khu vực đường Ga (giáp trụ sở Sở Giao thông - Vận tải) thuộc địa phận phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) lâu nay thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân bày bán hàng hóa trên vỉa hè. Việc bà con vơ quáng quàng hàng hóa, ô, cân… chạy khỏi vị trí bán hàng khi thấy lực lượng chức năng là hình ảnh khá quen thuộc ở đây.

Do vậy, khi được hỏi về việc nộp phí để có chỗ ngồi bán hàng đúng quy định ở khu vực này thì người dân đều đồng tình ủng hộ. Chị Thạch Thị Kim Hòa (phường Gia Sàng) - người bán hàng tại đây cho biết: Tôi bán hàng ở đây rất nhiều năm nhưng gần như ngày nào cũng phải “ôm” hàng chạy đến vài lần khi thấy lực lượng chức năng đến. Nếu thành phố cho phép ngồi bán hàng tại khu vực này thì chúng tôi nhất trí nộp thuế, phí đầy đủ.

Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (phường Tân Thịnh) chia sẻ: Trong chợ không còn chỗ nào trống để ngồi bán hàng nên chúng tôi buộc phải ra khu vực này. Chúng tôi biết việc này là vi phạm nhưng cũng vì “miếng cơm manh áo” nên mới phải làm như vậy. Nếu cơ quan chức năng tiến hành kẻ vẽ, chia ô cho bán hàng ở khu vực này thì không chỉ nộp thuế, phí đầy đủ mà việc đảm bảo vệ sinh môi trường của từng hộ kinh doanh cũng được nâng lên. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm hơn với chỗ ngồi của mình, đặc biệt là lực lượng chức năng sẽ không vất vả trong việc cứ phải “đuổi”, bà con thì không phải “chạy” như bây giờ nữa.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: Trên địa bàn phường có 2 chợ lớn là Đồng Quang và Ga. Tình trạng người dân ngồi bán hàng trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường diễn ra rất phổ biến mặc dù phường và lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Việc sắp xếp, kẻ ô trên vỉa hè tại những vị trí đủ điều kiện để người dân được phép ngồi bán hàng sẽ không chỉ lập lại trật tự đô thị mà còn giúp người dân yên tâm kinh doanh buôn bán, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường.

Còn ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Quang cho biết: Phường hoàn toàn nhất trí với phương án thu phí tạm thời dưới lòng đường, hè phố tại các địa điểm phù hợp. Việc này sẽ góp phần tăng thu ngân sách, đáp ứng được nhu cầu đỗ xe của người dân trên địa bàn.

Phương án vẫn…. trên giấy?
Theo phương án của TP. Thái Nguyên, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè trên những tuyến đường chính, trong khu đô thị và khu dân cư tập trung vào các mục đích: Kinh doanh, trông giữ xe có thu phí, tập kết vật liệu xây dựng… trong phạm vi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng. TP. Thái Nguyên đã xây dựng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 (thực hiện từ cuối năm 2021, sau khi được tỉnh chấp thuận) triển khai tại 9 tuyến đường, như: Thanh Niên, Lê Quý Đôn, Bến Tượng… Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ nộp vào ngân sách thành phố 90%, 10% còn lại được đưa vào tài khoản của Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông thành phố để chi trả cho việc quản lý, sơn kẻ vạch. Giá dịch vụ trông giữ các phương tiện sẽ được niêm yết công khai tại các điểm thu…

Ông Nguyễn Hữu Quang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông TP. Thái Nguyên cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đội đã rà soát các địa điểm, vị trí để lập phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Trên cơ sở đó, TP. Thái Nguyên đã làm việc với các sở, ngành liên quan (Sở Xây dựng được giao chủ trì) để thống nhất đề xuất tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được phép sử dụng tạm thời vào việc kinh doanh, trông giữ xe công cộng. Tuy nhiên, căn cứ vào các văn bản luật liên quan, việc thu phí này cần xin ý kiến chỉ đạo của một số bộ, ngành Trung ương mà các sở, ngành của tỉnh đang thực hiện nhưng chưa có kết quả.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, về việc quản lý và khai thác, sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố, tỉnh đã có nhiều văn bản quy định liên quan. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 quy định về quản lý và khai thác, sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trong các đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh; ngày 8/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về phí và lệ phí…

Gần đây, ngày 21/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh quy định về tổ chức thực hiện, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh… Điều này cho thấy tỉnh đã và đang rất quan tâm đến nội dung này. Nếu làm được sẽ giúp cho TP. Thái Nguyên nói riêng, cả tỉnh nói chung thực hiện tốt việc quản lý lòng, lề đường, hè phố; đảm bảo mỹ quan đô thị, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương.

Người dân cũng như chính quyền các địa phương trên địa bàn TP. Thái Nguyên mong mỏi các sở, ngành liên quan của tỉnh chú trọng, quyết tâm hơn nữa trong thực hiện nội dung này để góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; trật tự đô thị ngày càng nền nếp.

Chung An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/giao-thong/thu-phi-long-duong-he-pho-o-tp-thai-nguyen-tu-phuong-an-den-thuc-tien%E2%80%A6-co-con-xa-301943-103.html