'Thủ phủ kinh dị' của Colombia tuyệt vọng giữa làn sóng bạo lực băng đảng mới
Thành phố cảng Buenaventura bên bờ biển Thái Bình Dương của Colombia từ lâu đã nổi tiếng là 'thủ phủ kinh dị' với những vụ giết người tàn bạo. Những tuần gần đây, người dân nơi này càng thêm sợ hãi vì chứng kiến một làn sóng bạo lực mới.
Giọng của Monica, 30 tuổi run lên khi kể về buổi tối vài tuần trước khi một thanh niên bị một nhóm vũ trang bắt khỏi khu phố cô ở. Hiện chưa rõ cậu thanh niên ấy bị đưa đi đâu. “Mọi người sợ hãi trong chính ngôi nhà của mình. Có người cứ tối lại chui xuống gầm giường vì không biết khi nào bị tấn công”.
Tại thành phố nhỏ với khoảng 400.000 dân này, bạo lực gia tăng vào cuối năm ngoái, khi các tay súng giết chết 7 thanh niên. Lệnh giới nghiêm sau 8 giờ tối đã được áp dụng. Hai nhóm Los Chotas và Los Espartanos đứng sau cuộc giao tranh gần đây. Cả hai đều là nhánh tách ra khỏi tổ chức tội phạm La Local - vốn không còn tồn tại và hiện bị cáo buộc có liên quan đến “hoạt động kinh tế phi pháp” và tuyển dụng trẻ em, kể cả những đứa trẻ 9-10 tuổi.
Trong bối cảnh các băng nhóm có vũ trang tranh giành lãnh thổ trong các khu vực lân cận, nhiều người dân Bonaverentura sợ không dám nói về những gì đang xảy ra vì những kẻ tội phạm đang hoạt động tích cực trên mạng xã hội và theo dõi những người lên tiếng chống lại bọn chúng. Hầu hết dân chúng cho rằng đó là điều tồi tệ nhất mà họ phải trải qua kể từ thỏa thuận hòa bình năm 2016, mà nhiều người hy vọng sẽ chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ trên khắp Colombia.
Gần đây, nhiều người Colombia, đứng đầu là tầng lớp thanh niên xuống đường tuần hành đòi hòa bình và bình đẳng. Lần lớn nhất là vào ngày 11-2, 80.000 người đã tham gia biểu tình. Khoảng 60% hàng hóa xuất nhập khẩu của Colombia đi qua Buenaventura và mọi người cho rằng họ xứng đáng nhận được nhiều hơn từ chính phủ. Nhà hoạt động Leonard Rentería, 28 tuổi, cho biết, anh phát ngán vì bất bình đẳng và thiếu cơ hội. “Thực tế nghèo đói, bị bỏ rơi và thất nghiệp khiến rất nhiều người trẻ tuổi cuối cùng sa vào các nhóm băng đảng tội phạm”, Rentería nói và cho biết, giống như hầu hết những người có tiếng nói khác, anh luôn phải đi cùng với một đội an ninh. Các chính trị gia và người dân địa phương cũng kêu gọi Tổng thống Iván Duque đến Buenaventura để ủng hộ các cuộc biểu tình. Trong chiến dịch tranh cử năm 2018, ông Duque tự xưng là “con nuôi” của thành phố và hứa sẽ biến thành phố cảng này thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, nhưng ông vẫn chưa trở lại.
Trong cuộc chiến chống bạo lực băng đảng ở Colombia, lực lượng an ninh hầu như chỉ tập trung nhắm vào chỉ huy của các nhóm vũ trang, nhưng điều đó không đủ để triệt phá các nhóm hoặc tấn công nguồn tài chính của bọn họ. Tình hình ở Buenaventura là một ví dụ rõ ràng về những thất bại trong chiến lược an ninh của chính phủ Colombia. “Chính phủ dường như tin rằng giết hoặc bắt giữ một chỉ huy sẽ lập lại được trật tự. Nhưng kinh nghiệm gần đây cho thấy họ đã sai. Thông thường, các chỉ huy nhanh chóng được thay thế. Mặt khác, như trong những tháng gần đây, các vụ bắt giữ dẫn đến chia rẽ trong các nhóm vũ trang, gây ra giao tranh giữa các phe phái và nhiều đau khổ hơn cho người dân”, ông Juan Pappier, một nghiên cứu viên cao cấp về châu Mỹ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định.
Khu Puente Nayero ở La Playita là một khu cư dân nghèo với khoảng 500 gia đình ở Buenaventura. Khu phố này từng là nơi lưu giữ những di sản đáng sợ nhất của thành phố, nơi các nhóm vũ trang tra tấn và phân xác nạn nhân. Từ năm 2014, quân đội tuần tra quanh khu dân cư và đưa những gia đình bị đe dọa vào sống trong không gian nhân đạo được bảo vệ. Tuy nhiên, như chị Nayibe Valencia Angulo, 36 tuổi, vợ của một giáo viên bị bắt cóc từ năm 2018: “Bạo lực đã không ngừng trong những tuần qua. Thật sốc với những gì mọi người đang sống ở Buenaventura. Mọi người có thể đối phó với Covid-19 chứ không phải là“ đại dịch bạo lực”.