'Thủ phủ' năng lượng miền Trung

Chưa bao giờ Quảng Trị lại có chương trình phát triển năng lượng cho năm 2019 và các năm tiếp theo quy mô như bây giờ. Ngoài thủy điện, địa phương đang hoàn thành và khởi công mới hàng chục công trình nhiệt điện, phong điện và cả điện mặt trời với công suất từ hàng chục đến hàng ngàn MW, vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng…

 Những trụ điện gió vươn cao ở Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Nguyễn Phúc

Những trụ điện gió vươn cao ở Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Nguyễn Phúc

“Cuộc chạy đua với thời gian”

Tính đến đầu 2019, tỉnh Quảng Trị có 8 dự án thủy điện (công suất từ 3 MW đến 64 MW) đã đi vào vận hành, phát điện. Trong đó lớn nhất là Nhà máy thủy lơịthủy điện Quảng Trị do Tổng công ty phát điện 2 (Tập đoàn điện lực VN) quản lý. Sau khi rà soát và loại khỏi quy hoạch thủy điện 10 dự án, Quảng Trị còn 6 dự án thủy điện đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư.

Trong số này, đáng chú ý nhất là dự án Thủy điện Đakrông 4 (đặt ở thôn A La, xã Pa Nang, huyện Đakrông), có công suất 24 MW, dung tích hồ chứa 16,86 triệu m3 , tổng đầu tư 980 tỉ đồng, do Công ty TNHH tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư và dự án Thủy điện La Tó (đặt ở thôn La Tó, xã Húc Nghì, huyện Đakrông), công suất 12,6 MW, dung tích hồ chứa 0,72 triệu m3 , tổng đầu tư 441 tỉ đồng, do Công ty CP Thành An làm chủ đầu tư. Lý do, cả 2 nhà đầu tư nêu trên đều là những “người mới” trong lĩnh vực thủy điện (2 công ty trên trước đó hoạt động trong lĩnh vực xây dựng) nhưng lại tỏ ra hết sức xông xáo và không giấu được những khát vọng của mình khi thử sức vào một lĩnh vực khá mới…

 Nhà máy thủy điện Đakrông 1 được đưa vào vận hành từ tháng 12/2017. Ảnh: N.P

Nhà máy thủy điện Đakrông 1 được đưa vào vận hành từ tháng 12/2017. Ảnh: N.P

Theo ông Trần Đình Hiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành An thì những phần khó nhất của công trình đã xong. Trong khi đó, dự án thủy điện Đakrông 4 khởi công từ tháng 12/2017, là thủy điện lớn nhất trên hệ thống sông Đakrông, nhưng đã hoàn thành các hạng mục: Đường thi công kết hợp quản lý vận hành, nhà quản lý vận hành, đường điện phục vụ thi công 35KV…

Do đã tạo được niềm tin lớn, nên ngay trong những ngày cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục cấp chủ trương đầu tư Cụm dự án Thủy điện Hướng Sơn cho Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Tổng diện tích sử dụng dự kiến gần 377 ha nằm trên địa bàn các xã thuộc các huyện: Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông.

Giữa sự sôi động của thủy điện, thì nhiệt điện ở Quảng Trị cũng không hề đứng yên, đặc biệt là khu vực Đông Nam Quảng Trị kỳ vọng sẽ hình thành trung tâm điện lực bao gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Những dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 với công suất 1.320MW do Công ty lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, nhà máy Nhiệt điện than Quảng Trị 2 công suất 1200MW, mới được UBND tỉnh và nhà đầu tư Tập đoàn điện lực miền Tây Hàn Quốc... Quảng Trị đã có những ký kết với Bộ Công thương, chủ đầu tư để sớm triển khai.

Lấy điện từ trời

Là địa phương nổi tiếng nắng, gió nên tiềm năng về phong điện và điện mặt trời của Quảng Trị được biết đến từ lâu. Nhưng mãi đến chừng 5 năm trở lại đây, các nhà đầu tư mới đến địa phương thực hiện những dự án lấy điện từ... trời!

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, từ 19/6/2015, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch điện gió ở địa phương. Theo đó, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ có 3 vùng quy hoạch. Vùng 1 thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) với diện tích 2.789 ha. Vùng 2 thuộc các xã Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Hiệp (huyện Hướng Hóa) với diện tích 2.882 ha. Và vùng 3 thuộc các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành (huyện Gio Linh), xã Vĩnh Tân và khu vực mặt nước ven biển huyện Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ với 1.036 ha.

 Công trình thủy điện Đakrông 4 đã hoàn thành được 60% tiến độ (tính tại thời điểm tháng 10/2018). Ảnh: N.P

Công trình thủy điện Đakrông 4 đã hoàn thành được 60% tiến độ (tính tại thời điểm tháng 10/2018). Ảnh: N.P

Sau khi có quy hoạch điện gió, đã có một vài nhà đầu tư quan tâm và lập tức bắt tay vào làm thật. Đầu tiên phải kể đến đó là Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (gọi tắt Tổng công ty Tân Hoàn Cầu). Minh chứng rõ ràng nhất là dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cốc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa), công suất 30MW, tổng đầu tư 1.420 tỉ đồng được triển khai đầu tư từ năm 2015, hoàn thành đưa vào vận hành quý 3 năm 2017. Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Hoàn Cầu cho hay, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 hoạt động hết sức ổn định do sử dụng những tuabin gió công nghệ CHLB Đức. Công ty Tân Hoàn Cầu gấp rút để xây dựng thêm Nhà máy điện Hướng Linh 1 (công suất 30 MW).

Ngoài ra, tại Quảng Trị còn thêm 5 dự án điện gió đang lập dự án đầu tư hoặc đang triển khai giải phóng mặt bằng và đều dự kiến đưa vào phát điện vào năm 2021, gồm: Hướng Phùng 1 công suất 30 MW, tổng vốn 1.350 tỉ đồng do Tổng công ty phát điện 2 làm chủ đầu tư; Hướng Phùng 2, công suất 20 MW, tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng do Công ty CP Viet Ren làm chủ đầu tư; Hướng Hiệp 1 và Hướng Linh 3 cùng có công suất 30 MW, cùng có tổng vốn đầu tư 1.350 tỉ đồng do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư và Hướng Tân công suất 48 MW, có vốn đầu tư 2.160 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư.

Chưa hết, Quảng Trị hiện có 32 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.733 MW đang trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch và 19 dự án khác có công suất 950 MW đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát hồ sơ bổ sung quy hoạch.

Dù ra đời muộn so với các hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo khác, nhưng điện mặt trời đã có những tín hiệu khả quan cho sự nảy mầm và bén rễ tại vùng đất gió Lào bỏng rát Quảng Trị. Trong đó, dự án đi đầu là dự án điện mặt trời LIGQuảng Trị do Công ty cổ phần LICOGI 13 làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích gần 60 ha tại xã Gio Hải và Gio Thành (huyện Gio Linh) với công suất 49MWp. Với tổng vốn đầu tư là 1.200 tỉ đồng, khi hoàn thành dự án này sẽ có sản lượng điện lên tới 67.960 MWh/năm.

Tiềm năng điện mặt trời ở Quảng Trị đã thôi thúc khá nhiều nhà đầu tư thử sức, chính vì thế hiện có 5 dự án điện mặt trời khác với tổng diện tích đất sử dụng là 304 ha (chủ yếu nằm ở huyện Gio Linh), tổng công suất 250 MWp đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch và 4 dự án điện mặt trời với tổng diện tích sử dụng đất 221 ha (chủ yếu ở Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong), tổng công suất 200 MWp cũng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ.

Theo chương trình phát triển năng lượng 2019 và các năm tiếp theo của Sở Công thương, riêng trong năm 2019 có 4 dự án điện công suất 120 MW, tổng vốn đầu tư 3.761 tỉ đồng hoàn thành đưa vào sử dụng và 8 dự án năng lượng tái tạo có tổng vốn đầu tư 9.280 tỉ đồng sẽ được khởi công (chưa tính các dự án nhiệt điện). Theo chương trình này, đến năm 2022- 2025, Quảng Trị sẽ khởi công hoàn thành các dự án điện gió nâng tổng quy mô công suất khoảng 1.800 - 2.000 MW, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 công suất 1.320MW…

Với những dữ liệu như trên, quả không sai khi nói trong tương lai Quảng Trị sẽ là “thủ phủ” năng lượng của miền Trung.

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146493