Thư, tâm họa dã

Triển lãm thư pháp chủ đề TÂM HỌA (Thư, tâm họa dã - viết thư pháp như vẽ nội tâm) từ nay đến 24-2, tại Hội Mỹ thuật TPHCM (218A Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3) trưng bày 86 tác phẩm được nghệ sĩ Lưu Thanh Hải sáng tác từ năm 2018 đến năm 2022, xoay quanh: triết lý Phật - Đạo - Nho, ca dao - tục ngữ Việt Nam và thơ do tác giả tự sáng tác.

Tác phẩm thư pháp trưng bày trong triển lãm

Tác phẩm thư pháp trưng bày trong triển lãm

Các tác phẩm sử dụng chất liệu truyền thống như giấy dó và giấy xuyến. Nhiều tác phẩm được bồi thủ công theo tiêu chuẩn bởi những chuyên gia hàng đầu trong nước về bồi biểu tác phẩm tranh thủy mặc và thư pháp.

Một số tác phẩm sử dụng cả “mặc pháp”, “mặc vận” khi viết hòa mực với nước một cách trực tiếp trên ngòi bút và bụng bút, tạo ra đường nét với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, có sự chuyển sắc từ sắc độ đậm đen đến trắng dần như một dải màu lung linh huyền diệu.

Cách viết này mang tính duy nhất và độc đáo cho từng đường nét, vết mực và cho từng tác phẩm riêng biệt. Mỗi lần pha trộn với tỷ lệ mực/nước khác nhau, kết hợp với độ loang của giấy sẽ tạo ra đường nét của mỗi lần viết là riêng biệt, không thể lặp lại giống y hệt.

Người xưa nói rằng “Thư, tâm họa dã”, ý nói việc viết chữ, viết thư pháp như vẽ tâm mình lên mặt giấy. Viết thư pháp để rèn nhân cách, giúp con người nhẹ nhàng, từ tốn và tĩnh lặng hơn; với những nội dung câu từ triết lý, giáo dục và hướng cuộc sống đến chân - thiện - mỹ.

Dừng lại trước các tác phẩm thư pháp nội dung thơ của các nhà Nho Việt Nam như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Đình Chiểu…, anh Trần Văn Thư (37 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Triển lãm này có nhiều tác phẩm, nhìn vào nét chữ rất ấn tượng, bút pháp hành khải, kết hợp giữa cách viết chân phương khuôn phép với cách đi bút liên tục tạo sự vận hành, liên thông trong đường nét nhưng không quá bay nhảy phá cách, thể hiện những chừng mực”.

Thư pháp dùng bút lông và mực Nho thể hiện các vẻ đẹp của đường nét lên mặt giấy với chỉ hai màu đen - trắng thực sự không dễ dàng và càng không dễ để cảm nhận. Người viết và người xem thường phải thả hồn vào từng nét chấm phá, từng đường đi bút, cách vận bút và chuyển biến của đường nét, theo trình tự vận hành của bút pháp, gắn liền với cá tính và từng phong cách riêng biệt.

Việc viết thư pháp dễ hay khó tùy vào cách viết, cách chơi cũng như động cơ, mục đích của việc viết chữ là như thế nào. Theo đuổi mục tiêu lý tưởng của sự sáng tạo và tôn trọng sự vận động, chuyển biến của đường nét thì đòi hỏi từng tác phẩm phải có nét độc đáo riêng, không lặp lại; từng dấu chấm phết, từng đường cong, đường thẳng tạo thành nét chữ cũng phải khác biệt, không cùng một hình dáng, cho dù cùng một ký tự...

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-tam-hoa-da-post679252.html