Thu thuế sàn thương mại điện tử: Vì sao khó quản lý đầy đủ các nguồn thu?

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế có giải pháp để không gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Thống kê của Tổng cục Thuế, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu lượt khách truy cập vào các sàn TMĐT.

Doanh thu tỷ đô từ thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay các chính sách về thuế đối với TMĐT đã được hướng dẫn rất đầy đủ. Đặc biệt, những quy định về quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới đã được bổ sung đầy đủ. Nhờ đó, đạt được những thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế TMĐT.

Các chuyên gia cho rằng dư địa để thu thuế từ sàn thương mại điện tử còn rất nhiều.

Các chuyên gia cho rằng dư địa để thu thuế từ sàn thương mại điện tử còn rất nhiều.

Về kết quả số thu từ hoạt động TMĐT thời gian qua, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế hết tháng 8/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, gấp đôi số thu năm 2021.

Đối với các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Đặc biệt, sau 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.099 tỷ đồng, Google là 2.114,6 tỷ đồng, Microsoft là 714 tỷ đồng..

Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế không chuẩn xác và rất khó kiểm soát. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam đã gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.

Giải bài toán thu thuế thương mại điện tử

Trước những thách thức trên, tại họp báo thường kỳ quý III được tổ chức chiều ngày 29/9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với một số sàn TMĐT, Hiệp hội TMĐT về quy định trách nhiệm kê nộp thuế của sàn TMĐT. Tôi khẳng định đây không phải là vấn đề mới, và không có lý do gì doanh nghiệp trong nước không thực hiện được”.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, giải pháp cho sàn TMĐT kê khai thay cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn sẽ tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Bởi nếu tất cả hộ dân tự kê khai sẽ phức tạp. Việc kinh doanh qua mạng hiện nay là 24/7, cơ quan thuế quản lý thực hiện theo phương pháp truyền thống sẽ rất khó. Trong trường hợp các sàn TMĐT chưa kê khai thay, thì tôn trọng theo ủy quyền của hộ kinh doanh, cá nhân. Nếu không có ủy quyền thì sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế làm nhiệm vụ, vì lợi ích chung toàn xã hội.

“Trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ sàn TMĐT các giải pháp. Hiện nay dự thảo Nghị định 126 đang trình Chính phủ, chúng tôi đã làm việc với các sàn TMĐT, sẽ mở cổng thông tin để tiếp nhận thông tin của người kinh doanh”, ông Minh cho biết.

Một giải pháp cũng rất quan trọng được nhiều chuyên gia đề xuất đó là áp dụng thu thuế giá trị gia tăng (VAT) tại nguồn đối với hoạt động TMĐT. Nhiều nước đã áp dụng thành công như là Argentina, Ecuador hay là Paraguay… Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần phải củng cố căn cứ pháp lý như sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hay Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, bên cạnh khuôn khổ pháp luật tốt, hoàn thiện, rất cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ để có được cơ sở dữ liệu số, phục vụ rất tốt cho công tác quản lý thuế. Do đó, đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số và chia sẻ dữ liệu dùng chung là rất cần thiết, cần nỗ lực triển khai đồng thời ứng dụng mạnh hơn những thành tựu công nghệ 4.0 như AI, Big Data và đặc biệt là Blockchain. Áp dụng các công nghệ này vào quản lý các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng sẽ nắm rõ các hoạt động giao dịch điện tử, từ nguồn gốc hàng hóa đến quá trình giao dịch.

Các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp trên, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan có liên quan thì chắc chắn công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TMĐT nói riêng sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và xu hướng phát triển của TMĐT trong thời gian tới.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/thu-thue-san-thuong-mai-dien-tu-vi-sao-kho-quan-ly-day-du-cac-nguon-thu-1088287.html