Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài làm việc với tỉnh Lâm Đồng
Sáng 1/11/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm.
Sáng 1/11, thực hiện chương trình công tác tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trương Thanh Hoài dẫn đoàn đã đến thăm và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng đi với đồng chí Thứ trưởng còn có lãnh đạo Cục Công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở: Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, lãnh đạo UBND TP. Bảo Lộc, lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm và Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng đang gặp vướng mắc, khó khăn vì chồng lấn quy hoạch bô xít. Thống kê sơ bộ, tổng diện tích quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gần 70.200 ha tại TP. Bảo Lộc và 6 huyện (Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh). Trong đó, huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do quy hoạch khoáng sản bô xít, vonfram, diatomit với tổng diện tích hơn 57.000 ha, gần 100.000 người dân.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn. Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy định không thể triển khai.
Cụ thể, các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chỉ phục vụ được công tác quản lý, nhưng chưa phục vụ được việc tổ chức triển khai theo quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; không thể triển khai đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và các khu chức năng.
Đồng thời, các vị trí quy hoạch có diện tích rất lớn, ảnh hưởng đến nội dung, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng; đa phần thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc đã được đầu tư hạ tầng, như Khu trung tâm hành chính của huyện, xã, thị trấn, phường thuộc các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc. Ngoài ra, các công trình trụ sở UBND huyện, xã, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ, khu vực sản xuất nông nghiệp…, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và các tổ chức trong việc sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo.
Bên cạnh đó, luật Quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung, các dự án khác từ nguồn vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; khu dân cư, tái định cư tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc)…, liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Đứng trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị và đề xuất Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên cũng như danh sách khu vực khoáng sản đề xuất hạn chế, cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, quan trọng, đặc biệt là các dự án đầu tư công.
Là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quy hoạch khoáng sản, ông Trương Hoài Minh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, tổng diện tích thuộc Quy hoạch khoáng sản khoảng 52.863,7 ha/146.272 ha diện tích tự nhiên, phần lớn diện tích quy hoạch khoáng sản là khu trung tâm, khu dân cư sinh sống tập trung, lâu đời, khu hành chính của các xã, thị trấn đã được đầu tư hạ tầng, công trình (trụ sở UBND xã, trường học…), khu vực đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu của huyện và ảnh hưởng đến các dự án phát triển dân cư…
Riêng tại thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), hiện thị trấn có đến 75% diện tích bị vướng vào Quy hoạch khoáng sản. Trong đó, có 6 công trình công cộng đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai xây dựng do vướng quy hoạch. Nhiều hộ dân không thể chuyển mục đích sử dụng đất, gây khó khăn trong xây dựng. Ngoài ra, việc chồng lấn Quy hoạch 866/QĐ-TTg và dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng khiến giao dịch bất động sản khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và thu ngân sách của địa phương.
Tương tự, ông Phùng Ngọc Hạp – Phó Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc cho biết, TP. Bảo Lộc có tổng diện tích thuộc quy hoạch khoáng sản khoảng 4.284,723 ha/23.396 ha diện tích tự nhiên (chiếm 18,3% tổng diện tích tự nhiên). Quy hoạch chủ yếu là đất khu dân cư, đất nông nghiệp, trong đó, ảnh hưởng đến các dự án phát triển dân cư như: Khu dân cư Khu phố 7, phường Lộc Phát; Khu dân cư tái định cư phường Lộc Phát; Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Đạm B’ri…
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã thay mặt đoàn công tác phát biểu, kết luận các nội dung buổi làm việc: Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm. Đặc biệt, quan tâm đến tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng, quy hoạch nào cũng để phục vụ lợi ích chung của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia. Trong đó, Quy hoạch khoáng sản là để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Do vậy, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan có thẩm quyền cấp phép) rà soát các khu vực đã khoanh định là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản nhưng chưa cập nhật vào Quy hoạch khoáng sản trong quá trình cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản để triển khai các công trình, dự án đầu tư vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và đáp ứng tiêu chí tại Luật Khoáng sản.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã nêu nhiều giải pháp khác để thoát gỡ khó khăn, vướng mắc và đề nghị tỉnh Lâm Đồng cung cấp kết quả loại trừ đã được khoanh vùng nhưng chưa cập nhật vào quy hoạch khoáng sản trong quá trình Bộ Công Thương tổ chức rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 5 năm hoặc trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.