Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải thuộc đối tượng chất vấn

Đề nghị bổ sung Thủ trưởng cơ quan Thi hành án Dân sự, Chi cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Kho bạc Nhà nước vào đối tượng chất vấn, đối tượng giải trình theo Luật Hoạt động giám sát nhằm đảm bảo toàn diện đối với hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân.

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân do Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều nay (17/11). Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 chính thức có hiệu lực năm 2016. Tại thành phố Đà Nẵng, qua 7 năm triển khai thực hiện Luật này tiếp tục khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của Hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong hoạt động giám sát chưa được quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát. Thực tiễn thi hành quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Hiện nay, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp. Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh không phải là “Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh” nên không thuộc đối tượng chất vấn của Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố. Vì vậy, Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố không thể chất vấn đối với Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự thành phố vì không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát.

Luật Hoạt động giám sát quy định, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh có thẩm quyền giám sát hoạt động Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan Thi hành án Dân sự cùng cấp nhưng chỉ được quyền yêu cầu giải trình đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân mà không quy định đối với Thủ trưởng “cơ quan Thi hành án Dân sự cùng cấp” là chưa phù hợp và không thống nhất.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân thành phố cho rằng: “Việc xem xét chất vấn và trả lời chất vấn đối với cơ quan tư pháp chưa được thực hiện thường xuyên. Cần phải xác định giám sát hoạt động đối với cơ quan tư pháp là quan trọng trong thực thi pháp luật, đó là giám sát thực hiện thời hạn giải quyết các vụ án, đặc biệt là giám sát vụ án dân sự hành chính và công tác thi hành án. Giám sát các vụ việc dân sự hành chính mà cử tri quan tâm, nhất là thi hành các bản án”.

Từ tháng 7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. Theo đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trong quyết toán ngân sách, phân bổ ngân sách; giám sát việc tuân theo Hiến pháp.

Quyền dân chủ đại diện của người dân thông qua đại biểu Hội đồng Nhân dân phường và Hội đồng Nhân dân quận không còn mà được thực hiện thông qua các kênh khác như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban, Tổ Đại biểu và Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Tuy nhiên, số lượng Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số, số lượng Đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của cử tri nói riêng, chất lượng giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố nói chung.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị cần tăng số lượng đại biểu trong các tổ chức chính trị và chính trị - xã hội; cần tăng cường số lượng Đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách. Nhiều ý kiến đề nghị Trung ương cần bổ sung Thủ trưởng cơ quan Thi hành án Dân sự, Chi cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Kho bạc Nhà nước vào đối tượng chất vấn tại Điều 5, đối tượng giải trình tại Điều 72 Luật Hoạt động giám sát nhằm đảm bảo toàn diện đối với hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay không còn Hội đồng Nhân dân quận, phường, trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân thành phố, Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nặng nề hơn, nhiều việc hơn, nhưng số lượng biên chế không tăng.

“Cần nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát. Giám sát chỉ có hiệu quả khi các kiến nghị của các đơn vị chịu giám sát phải được thực thi. Tăng cường phối hợp giữa HĐND với các cơ quan liên quan, đặc biệt với các quận, huyện ủy và Mặt trận các cấp. Cần chọn đối tượng giám sát cụ thể, với từng chuyên đề, cần chọn đối tượng nào,m có vấn đề gì nổi lên để giám sát”, ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-truong-co-quan-thi-hanh-an-dan-su-phai-thuoc-doi-tuong-chat-van-post1059907.vov