Thủ tướng Australia khởi động chuyến công du 'hat-trick', nêu điều kiện về cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc
Thủ tướng Australia Anthony Albanese bắt đầu chuyến công du 'hat-trick' ở 3 nước Đông Nam Á từ hôm nay, 11/11.
Thủ tướng Anthony Albanese sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á và Australia-ASEAN tại Phnom Penh (Campuchia), trước khi có mặt ở Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia) và kết thúc chuyến công du tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok (Thái Lan) vào cuối tuần tới.
Theo Guardian, các tín hiệu ngoại giao trong tuần này cho thấy khả năng Thủ tướng Anthony Albanese sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường hoặc Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuỗi hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một thủ tướng Australia và nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2019 và là động thái quan trọng đánh dấu sự cải thiện quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh.
Phát biểu trước khi lên đường, Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ muốn ổn định quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của đất nước. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là Bắc Kinh phải dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Canberra.
Trước đó, báo China Daily hôm 10/11 phát đi tín hiệu Bắc Kinh sẵn sàng cải thiện quan hệ với Canberra với tuyên bố: “Trung Quốc coi trọng quan hệ với Australia và coi Australia là đối tác quan trọng trong tiến trình đối thoại và hợp tác”.
Bên cạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Albanese sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, cũng như các nhà lãnh đạo của Campuchia, Indonesia và Thái Lan.
Nhà lãnh đạo Australia cũng được cho là sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, người vừa trải qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Guardian trích nguồn tin từ quan chức Australia cho hay, tại các hội nghị thượng đỉnh lần này ở Đông Nam Á, ông Albanese sẽ nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế, cũng như kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do và cởi mở, đồng thời đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế.