Thủ tướng Australia Scott Morrison thăm Mỹ: Tình trăm năm chắc có bền lâu?

Liệu chuyến công du Washington của Thủ tướng Australia có thể đặt nền móng cho quan hệ hai nước '100 năm tới' như ông Scott Morrison khẳng định? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng phu nhân tại Sân bay quân sự Andrews, tối ngày 19/9. (Nguồn: SBS)

Đêm ngày 19/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Australia cùng phu nhân đã đặt chân xuống Sân bay Quân sự Andrews. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều xáo trộn, đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa ngã ngũ, căng thẳng khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang sau khi cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công.

Tới Washington, Thủ tướng Scott Morrison tin rằng chuyến công du lần này sẽ cải thiện hợp tác quốc phòng, an ninh và kinh tế song phương, trong đó có các hoạt động chung tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung Đông. Nhà lãnh đạo Australia khẳng định: “Tôi biết nước Mỹ có nhiều bạn bè lớn và hùng mạnh, nhưng Mỹ cũng nhận thức rằng không có quốc gia đáng tin cậy và luôn sẵn sàng kề vai sát cánh khi cần thiết như Australia”.

Tình thân thủ túc

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1943 và ký kết Khối hợp ước An ninh quân sự Australia – New Zealand – Mỹ (ANZUS) năm 1951, quan hệ song phương đã có nhiều tiến triển. Kể từ năm 2016, Thủ tướng Australia đã tiến hành thăm Mỹ hằng năm và chuyến công du của ông Scott Morrison tiếp nối truyền thống đó.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh Washington đối mặt với nhiều thách thức và chỉ trích của đồng minh do chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Canberra tiếp tục chiều lòng Tổng thống Donald Trump. khi cấm sử dụng các thiết bị viễn thông phục vụ cho hạ tầng mạng 5G đến từ Tập đoàn Huawei của Trung Quốc và đồng ý tham gia Chiến dịch Người Bảo vệ tại Eo biển Hormuz do Mỹ dẫn dắt.

Điều này cũng ít nhiều giải thích cho sự đón tiếp trọng thị hiếm có từ phía Washington dành cho ông Morrison. Ngày 20/9, ông sẽ gặp gỡ ông Donald Trump, tận hưởng Quốc yến tại Vườn hồng Nhà Trắng do Tổng thống và Đệ nhất phu nhân chủ trì, với sự tham dự của các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Australia dự Quốc yến tại Nhà Trắng sau 13 năm; ông Morrison cũng là người thứ hai sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được dự yến tiệc long trọng này tại Nhà Trắng.

Sau đó, ông Morrison cùng ông Trump sẽ ký kết Biên bản Ghi nhớ giữa Mỹ và Australia hợp tác triển khai chiến dịch đưa người quay trở lại Mặt trăng, khai thác đất hiếm và tài nguyên khoáng sản, gặp Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo, hai nhân vật then chốt trong Nhà Trắng.

Liều thuốc thử Trung Quốc

Tuy nhiên, sự tiếp đón nồng hậu, thể hiện vai trò quan trọng của Australia trong chính sách của Mỹ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để đảm bảo rằng quan hệ song phương sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái trong thời gian tới.

Bởi lẽ, thực tế cho thấy, chỉ ít lâu sau chuyến công du hào nhoáng Mỹ, mối quan hệ giữa Tổng thống Pháp và người đồng cấp Mỹ đã sớm nguội lạnh. Chẳng có gì đảm bảo Thủ tướng Australia sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự khi Canberra đang bị “giằng xé” trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong năm 2018, các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Australia đã giảm 36%, song vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong đầu tư nước ngoài vào quốc gia châu Đại Dương. Cộng đồng người Trung Quốc tại Australia tiếp tục tăng trưởng, đạt 1 triệu người, trở thành một trong những cộng đồng lớn mạnh nhất với Nghị sỹ gốc Trung Quốc tại Quốc hội Liên bang. Do đó, Australia luôn thận trọng trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Ngày 19/9, cơ quan tình báo Australia cho biết thủ phạm tấn công mạng Quốc hội Liên bang gần đây có thể là từ công an Trung Quốc, song chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison chưa đưa ra phản ứng chính thức về thông tin này.

Có thể thấy, một mặt, Australia muốn sát cánh Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, song mặt khác, Canberra chẳng muốn gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Đây sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi một khi sảy chân, ông Scott Morrison sẽ không chỉ đánh mất quan hệ truyền thống Australia – Mỹ, mà có khi còn cả chiếc ghế Thủ tướng của mình.

Minh Vương

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-australia-scott-morrison-tham-my-tinh-tram-nam-chac-co-ben-lau-101455.html